Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới Phòng chống Lao, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Nếu không phát hiện sớm và điều trị thì từ khi phát bệnh đến khi tử vong mầm bệnh đã âm thầm lây sang cho rất nhiều người khác. Vì vậy, ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới Phòng chống Lao.
Theo thống kê, Lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 đã làm mọi nỗ lực bị trì trệ, đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay nỗ lực hơn nữa để đẩy lùi bệnh lao.
Ngày thế giới phòng chống lao 24/3
Năm nay, ngày thế giới phòng chống lao với Chủ đề: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Cùng thông điệp hy vọng và niềm tin mạnh mẽ rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Chủ đề này cũng mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Chủ đề Ngày Thế giới Phòng Chống lao của Việt Nam năm 2023
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Ở nước ta, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Sau 2 năm diễn ra dịch COVID-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều tỉnh thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi. Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội. Hậu quả là giảm số lượng bệnh nhân lao mới được phát hiện. Công tác phòng chống bệnh lao bị đình trệ.Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.
Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19 Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu. CTCLQG cần được đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
“Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB”
Đây là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Trong 5 năm qua, Quỹ PASTB đã hỗ trợ hơn 7400 người bệnh tương ứng với số tiền là 8.5 tỉ đồng. Quỹ đã mua 471 thẻ BHYT cho người bệnh lao chưa có thẻ.
Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình Chống lao Quốc gia – Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:
– Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 15/03/2023 đến 24h00 ngày 13/5/2023
– Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402
(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).
Ngoài ra, các tổ chức/cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin:
– Đơn vị: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao
– Địa chỉ: Tầng 1, Nhà S5, Bệnh viện Phổi Trung ương, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội
– Số tài khoản: 16010000288699
– Tại: Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3
Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của gần 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.
Hãy chung tay vì mục tiêu “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”.
Để biết thêm thông tin chi tiết các dịch vụ, vui lòng theo dõi fanpage Bệnh viện 22-12 hoặc website Bệnh viện 22-12!