Thoát vị rốn là gì?
Thoát vị rốn là tình trạng nội tạng trong ổ bụng chui qua khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da.
Thoát vị rốn phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, nhưng chúng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn có thể đặc biệt rõ khi trẻ khóc, làm cho rốn lồi ra ngoài. Đây là một dấu hiệu cổ điển của thoát vị rốn.
Đối với người trưởng thành, hiện tượng này cũng có thể gặp phải trong một số trường hợp như tiền sử mắc các bệnh có thể dẫn tới áp lực lên ổ bụng tăng (mang thai nhiều lần hoặc tràn dịch ổ bụng hay do sẹo cũ từ việc phẫu thuật giữa bụng…). Thoát vị rốn xuất hiện ở tuổi trưởng thành có nhiều khả năng cần phải phẫu thuật.
Triệu chứng của thoát vị rốn
Triệu chứng dễ nhận thấy ở cả trẻ em và người lớn đó là sự xuất hiện của u mềm ở vùng rốn. Trong u này có thể chứa một phần nội tạng, ruột hoặc dịch.
Đặc biệt, những trạng thái khiến vùng bụng bị tăng áp lực như cười hoặc khóc, ho, đi vệ sinh, thậm chí là ở tư thế co mình thì u này có thể bị phình lên to hơn. Những lúc cơ thể ở trạng thái được thư giãn hoặc khi nằm thẳng, u có thể xẹp xuống.
Biến chứng của thoát vị rốn là gì?
Đối với trẻ em: hầu hết các trường hợp không cần điều trị mà có thể tự khỏi trong khoảng 1 tới 2 năm đầu đời của bé. Những trường hợp thông thường, bệnh không khiến đau đớn mà chỉ gây sự khó chịu.
Mặc dù vậy, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như: phần ruột bị mắc kẹt và khiến cho các mô tổn thương, đau đớn. Trường hợp kẹt hoàn toàn có thể khiến cho máu không lưu thông tới được gây tắc nghẽn nguồn dinh dưỡng.
Từ đó, phần ruột này sẽ bị hoại tử, nhiễm trùng rồi sau đó lan rộng sang cả các cơ quan, các vùng khác của cơ thể. Đây là mối đe dọa rất lớn cho tính mạng.
Đối với người lớn cũng vậy, không phải tất cả các trường hợp đều có thể tự khỏi mà cần có sự thăm khám, xử lý kịp thời. Đặc biệt, khi gặp các hiện tượng như sau thì cần tới gặp bác sĩ ngay bởi đây có thể là dấu hiệu của nguy hiểm và đe dọa tới sức khỏe người bệnh:
– Chỗ thoát vị rốn trở nên đau đớn, sưng tấy hoặc bị đổi màu.
– Bụng trở nên to tròn, đầy.
– Thường xuyên bị nôn mửa hoặc trong phân có lẫn máu.
Điều trị thoát vị rốn thế nào?
Hầu hết trường hợp thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh đều tự khỏi khi trẻ lên 1 hoặc 2 tuổi. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật
Đối với thoát vị rốn ở người lớn, bác sĩ thường khuyến cáo phẫu thuật để tránh các biến chứng. Mổ thoát vị rốn ở người lớn sẽ là phương pháp đặc biệt trong trường hợp tình trạng thoát vị của bạn nghiêm trọng hoặc gây đau đớn.
Có thể nói, dù không quá nguy hiểm song biến chứng mà thoát vị rốn gây ra có thể ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người bệnh. Vì thế, bạn cần đi khám ngay nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu không bình thường nào.
Để được tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám tại Bệnh viện 22-12, quý khách vui lòng liên hệ số 0769 115 115 để được hỗ trợ.