Ngày 02 tháng 04 được chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Đây là dịp để công nhận và truyền thông nâng cao nhận thức về quyền của người tự kỷ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng trên toàn thế giới cứ 160 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ, tại Việt Nam theo số liệu tổng cục thống kê năm 2019 có đến 16% trẻ bị tự kỷ.
Tự kỷ là các rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn, và sự phát triển trí tuệ không đều đôi khi có khuyết tật về trí tuệ. Triệu chứng bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời thơ ấu.
Triệu chứng tự kỷ ở trẻ em
Trẻ có dấu hiệu bị hội chứng tự kỷ thường có những biểu hiện điển hình sau đây:
- Về mặt cảm xúc: Khi còn nhỏ trẻ đã không biết cách giao tiếp với cha mẹ, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện và khó phân biệt giữa người lạ và người quen. Khi đi học, trẻ thường thu mình lại một góc, ít giao tiếp với ai kể cả bạn bè và thầy cô.
- Về hành vi: Trẻ có thói quen chơi một món đồ chơi nhất định, thích thú với những âm thanh do mình tự tạo ra mà chẳng cần quan tâm đến lời nói từ cha mẹ. Thậm chí có một số trẻ tự làm hại chính bản thân bằng cách đập tay vào đầu, cào cấu thân thể đến chảy máu.
- Về ngôn ngữ: Trẻ có biểu hiện chậm biết nói, câu nói đơn điệu hoặc không mang một ý nghĩa nào, đôi lúc trẻ tự lẩm bẩm một mình bằng lời nói vô nghĩa, không xác định được.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
- Không đáp lại bằng nụ cười hoặc biểu cảm vui vẻ.
- Không bắt chước âm thanh hoặc nét mặt của người lớn.
- Không cử chỉ mặc dù đã được 14 tháng tuổi.
- Khi đã 16 tháng tuổi nhưng không nói được một từ nào.
- Không nói được cụm từ có hai từ khi được 24 tháng.
- Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở mọi lứa tuổi.
Hưởng ứng Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ năm 2024 Bệnh viện 22-12 kêu gọi mọi người hãy cùng nhau tìm hiểu về chứng rối loạn tự kỷ, từ đó phát hiện sớm, tăng cường sự quan tâm, yêu thương, ngăn chặn sự kỳ thị để người không may mắc chứng này có thể chung sống tốt và dễ dàng hòa nhập cộng đồng.