Tin tức - Sự kiện

Khuyến cáo phòng lây nhiễm Cúm gia cầm (A/H5) trên người

Bệnh cúm A/H5 ở người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5 gây ra, tỷ lệ tử vong cao. Một số loại cúm gia cầm có thể kể đến như A/H5N1, A/H7N9 hay A/H9N2,… Trong đó cúm A/H5N1 là một trong những chủng cúm A phổ biến nhất.

Những trường hợp mắc cúm gia cầm thường có liên quan tới việc tiếp xúc với gia cầm sống hay gia cầm bị nhiễm bệnh chết. Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc virus có thể lây nhiễm từ người sang người.

Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua những cách sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh chẳng hạn như giết mổ, mua bán, vận chuyển, sờ hoặc cầm vào gia cầm nhiễm bệnh.
  • Lây gián tiếp qua đường ăn, uống:

+ Vô tình ăn phải thịt của gia cầm đã nhiễm bệnh.

+ Ăn các món ăn chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, trứng chưa luộc chín kỹ,…

Khi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

+ Sốt.

+ Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên đau nhức người.

+ Ho và đau họng.

+ Tùy theo mức độ nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng viêm phổi, khó thở, sốc,…

Ngoài những biểu hiện giống như bệnh cúm thông thường, những người mắc cúm gia cầm còn có những dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh, thở khò khè, môi tái,…. Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể gây suy hô hấp cấp và tử vong.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh, vi rút A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm trên người, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Không tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.
  • Không giết mổ gia cầm bị ốm, đã chết mà cần thông báo đến các cơ quan chức năng của địa phương. Trong trường hợp giết mổ thì cần chuẩn bị những trang bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang. Đặc biệt lưu ý không tiếp xúc với lông, chất thải hoặc máu của gia cầm.
  • Không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Không nên sờ hay chạm vào gia cầm. Trong trường hợp đã sờ, chạm vào gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó, dù chưa biết gia cầm có bệnh hay không.
  • Đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp chuồng trại hoặc chăm sóc gia cầm.
  • Không nên tiêu thụ các loại thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Khi đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ của gia cầm vẫn nên đảm bảo ăn chín uống sôi. Sau khi chế biến, cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến.
  • Không nên tiếp xúc với người nhiễm bệnh cúm gia cầm. Cần đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Lưu ý không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang