- Một vết thương tưởng chừng đơn giản ở bàn chân nhưng không được xử lý đúng và kịp thời trên cơ địa bệnh nhân đái tháo đường type 2. Đây là trường hợp điển hình vừa được các bác sĩ tại Bệnh viện 22-12 tiếp nhận và điều trị thành công.
Bệnh nhân là ông N.T.T, sinh năm 1970, đến khám trong tình trạng có vết thương lâu lành ở ngón I bàn chân trái khoảng 1 tháng, đã được thay băng và điều trị ngoại trú tại Ninh Hòa trong nhiều ngày nhưng không cải thiện. Khi nhập viện, bệnh nhân đau tăng, vùng tổn thương có dấu hiệu sưng nề, tiết dịch và rất hôi.
Chẩn đoán ban đầu – Vấn đề không chỉ nằm ở tổn thương mô mềm
Sau khi siêu âm kiểm tra tổn thương, hình ảnh cho thấy: đứt bán phần gân gấp ngón I bàn chân trái, mô mềm quanh vùng tổn thương sưng nề, và có ít dịch tại bao hoạt dịch ngón I. Trước diễn tiến vết thương chậm lành, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu.
Kết quả cho thấy chỉ số đường huyết tăng cao bất thường, HbA1c vượt ngưỡng cho phép, bác sĩ kết luận ông T. mắc đái tháo đường type 2 – một trong những yếu tố ảnh hưởng làm chậm lành vết thương.
Điều trị phối hợp đa chuyên khoa – Can thiệp kịp thời, hiệu quả
Sau khi có kết quả xét nghiệm, các Bác sĩ khoa Ngoại đã tiến hành hội chẩn với BS Nội khoa, thống nhất điều chỉ, kiểm soát đường huyết ổn định bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng phù hợp ngắn hạn để đảm bảo an toàn cuộc mổ. Sau một ngày điều trị tích cực, kiểm tra đường huyết và điều chỉnh liều thuốc thường xuyên, đường huyết của bệnh nhân đã được đưa về ngưỡng an toàn, cho phép cuộc phẫu thuật diễn ra. - ThS.BS Nguyễn Văn Tâm chia sẻ:“Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì những vết thương nhỏ nhưng không lành, và qua đó mới phát hiện ra mình mắc đái tháo đường. Đây là một bệnh lý âm thầm nhưng nguy hiểm, đặc biệt khi đã gây biến chứng tại chi như loét chân, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử.Điều trị không chỉ là xử lý vết thương, mà còn phải kiểm soát tốt đường huyết, phối hợp đa chuyên khoa để đạt hiệu quả lâu dài. Trường hợp Ông T, chúng tôi đã lên phương án kỹ lưỡng cho bệnh nhân. Ở lần phẫu thuật đầu tiên, chúng tôi kiểm tra thấy dịch mủ hôi(Trước đó bệnh nhân đã được lấy dịch mủ cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ trước khi sử dụng kháng sinh), lan theo bao gân gấp ngón I kèm đứt bán phần gân gấp. Chúng tôi tiến hành cắt lọc, loại bỏ triệt để các mô hoại tử nhưng vẫn cố gắng bảo tồn tối đa nhất có thể gân gấp ngón I để đảm bảo chức năng vận động cho bệnh nhân. Sau khoảng 8 ngày thay băng, chăm sóc tại khoa ngoại sau lần mổ đầu tiên, mô hạt lên tốt, phản ứng viêm tại chỗ không còn và các xét nghiệm kiểm tra đường huyết, tình trạng nhiễm trùng đều ở mức bình thường, chúng tôi quết định thực hiện cuộc mổ lần 2, cắt lọc và đóng vết thương thì 2 cho bệnh nhân. Sau đó vết thương tiến triễn tốt và bệnh nhân xuất viện ”
ĐỪNG CHỦ QUAN VỚI NHỮNG VẾT THƯƠNG LÂU LÀNH!
- Với người bệnh đái tháo đường, các vết thương nhỏ – đặc biệt ở bàn chân – có thể là “cửa ngõ” dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng: nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí là cắt cụt chi nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Khuyến cáo:
Kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ cao (thừa cân, ít vận động, tiền sử gia đình…)
Không tự ý xử lý vết thương tại nhà nếu sau vài ngày không tiến triển
Khi có vết loét, sưng đau hoặc tổn thương ở bàn chân – cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được đánh giá toàn diện