Viêm phổi – bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng và tử vong hơn.
Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em
Nguyên nhân nguy hiểm và thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae). Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh viêm phổi ở trẻ em như: trẻ nhiễm virus, khu vực có mức độ ô nhiễm cao, trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc…
Dấu hiệu nhận biết trẻ em đang mắc bệnh
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
- Sốt cao trên 39 độ;
- Mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục;
- Tình trạng khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp và cố gắng lấy nhiều oxy hơn để thở;
- Ho khan vào thời gian đầu và sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh hoặc vàng;
- Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không đủ oxy;
- Tức ngực hoặc đau bụng;
- Nôn trớ hoặc tiêu chảy;
- Bỏ bú hoặc bú ít;
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ
- Thở rất nhanh;
- Thở rít hoặc thở khò khè, thở khó khăn;
- Sốt;
- Ho;
- Nghẹt mũi;
- Ớn lạnh;
- Nôn ói;
- Đau tức ngực;
- Đau bụng, tiêu chảy;
- Mệt mỏi, ít vận động;
- Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon;
- Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám.
Khi nào trẻ em bị viêm phổi cần nhập viện điều trị?
Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm phổi dưới đây, bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Trẻ em bị viêm phổi cần được khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ
- Trẻ sốt cao và kéo dài: Sốt cao có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, tuy nhiên trẻ sốt cao kéo dài trong 2-3 ngày liên tục là triệu chứng viêm phổi.
- Co lõm lồng ngực: Đây là triệu chứng của trẻ đã bị viêm phổi nặng. Lúc này, khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) sẽ bị lõm vào. Trong trường hợp phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.
- Cơ thể tím tái: Đó là tình trạng da nhợt nhạt và tím lại ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân. Nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Triệu chứng khác như: Trẻ khó thở, thở khò khè; Đau ngực, có thể đau ít hoặc nhiều; Môi khô, kèm theo mệt mỏi chán ăn…
Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phổi ở trẻ em
Bệnh viêm phổi ở trẻ em diễn biến từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng huyết: Là tình trạng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi xâm nhập vào hệ tuần hoàn dẫn đến nhiễm trùng máu và sốc biến chứng nhiễm trùng. Biến chứng này rất khó điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và có thể gây tử vong.
- Tràn mủ màng phổi: Gây khó khăn trong hô hấp, bạch cầu tăng cao và xuất hiện tình trạng kháng thuốc.
- Viêm màng não: Gây tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh, đe dọa tính mạng của trẻ.
- Hội chứng suy hô hấp cấp: Gây áp xe phổi, viêm phổi mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch.
- Tràn dịch màng tim, trụy tim: Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn gây tràn dịch màng tim, bóng tim to, trụy tim,…
- Các biến chứng khác: viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm khớp,…
Chăm sóc trẻ em bị bệnh như thế nào?
Khi trẻ em bị viêm phổi, bố mẹ cần thực hiện những điều sau:
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Long đờm cho trẻ bằng cách vỗ lưng giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Cho trẻ ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt; ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em bằng cách nào?
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh, bằng cách:
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
Một số tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin.
- Vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis và vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B gây bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin khi trẻ được 2 tháng tuổi.
- Vi khuẩn phế cầu – tác nhân phổ biến gây bệnh viêm phổi đã có vắc xin phòng ngừa, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Virus cúm mùa có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi nếu không may mắc bệnh. Vì thế, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ mắc bệnh rối loạn tim phổi hoặc hen suyễn vì có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng.
- Virus sởi gây bệnh sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, có thể được phòng ngừa bằng vắc xin, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên thường không được điều trị đúng cách dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường. Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng của bệnh viêm phổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhi khoa Bệnh viện 22-12 với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, phòng khám và khu vực chờ rộng rãi, thoáng mát, có khu vui chơi cho trẻ.
Đặc biệt áp dụng bảo hiểm y tế ngoài giờ, bố mẹ hoàn toàn yên tâm đưa trẻ đến khám sau giờ hành chính
Nhi Khoa Bệnh viện 22-12 cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chuyên khoa nhi bao gồm: Khám lâm sàng các vấn đề liên quan tới hô hấp, tai mũi họng, tiêu hóa, truyền nhiễm… cho trẻ
Các gói khám & tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe tổng quát cho trẻ
Dịch vụ tiêm chủng
Dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm máu, nước tiểu, phân)
Dịch vụ siêu âm, x-quang …
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857