Loét da do tì đè hay loét áp lực là vết loét sinh ra do điều kiện giữ nguyên tư thế ở một vị trí cố định trong một khoảng thời gian dài, thường do nằm viện lâu vì một bệnh lý nặng hay mạn tính. Nguyên nhân gây ra các vết loét là do thiếu máu đến nuôi dưỡng do áp lực tì đè. Các yếu tố có khả năng quyết định mức độ tổn thương loét do tì đè bao gồm lực ma sát tại chỗ, độ ẩm da, cảm giác đau của người bệnh, khả năng chăm sóc người bệnh và tình trạng dinh dưỡng dành cho bệnh nhân.
Hiện nay, trên thế giới đã áp dụng các bảng tính phân loại nguy cơ xuất hiện loét do tì đè, từ đó quyết định sử dụng các phương tiện hỗ trợ như nệm nước để làm giảm bớt áp lực. Loét do tì đè được chia thành 4 giai đoạn khác nhau từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Tổn thương từ thượng bì đến lớp biểu bì: Da có màu đỏ nhạt nhưng cứng hơn vùng da xung quanh.
- Tổn thương đến lớp dưới da: Mất một phần thượng bì, xuất hiện hình thái vết loét với đáy khô, thường không thấy các tổn thương hoại tử.
- Tổn thương đến lớp mỡ: Quan sát thấy ít mô hoạt tử màu vàng ở đáy vết loét, có thể nhìn thấy được lớp mỡ.
- Tổn thương lan rộng đến các tổ chức phần mềm xung quanh như gân, cơ, xương.
Tần suất xuất hiện của loét do tì đè trên lâm sàng dao động khoảng từ 3 đến 30%. Các vị trí dễ xuất hiện loét do tì đè là vùng xương cùng cụt, mắt cá chân, gót chân, xương chẩm, … Loét áp lực đơn thuần không mang lại quá nhiều nguy hiểm, tuy nhiên các biến chứng do nó gây ra có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh như viêm xương tủy xương, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng hay suy kiệt, và làm tăng thời gian nằm viện.
Vết loét nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ lan rộng và tiến triển nặng sẽ khiến cho bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hoại tử và nhiễm trùng. Do đó, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để tránh gây ra tình trạng loét.
Cách chăm sóc ngừa loét da
- Vệ sinh sạch sẽ, giữ gìn da sạch và khô ráo không để ẩm ướt, chất thải tiết ra tránh ứ đọng vào vùng có biểu hiện loét hoặc vùng bị loét.
- Khi thay đổi tư thế người bệnh cần nhẹ nhàng, tránh tạo ma sát gây tổn thương lớp biểu bì và nên thay đổi tư thế người bệnh 2 giờ/lần.
- Thường xuyên xoa bóp các vùng có dấu hiệu dễ bị loét sau khi thay đổi tư thế.
- Chăm sóc cho người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp đầy đủ, bổ sung protein, chất béo tốt, vitamin và muối khoáng cho người bệnh để cơ thể tăng sức đề kháng.
- Nên lựa chọn một vài phương tiện hỗ trợ như nệm nước, hoặc giường điện. Người bệnh sẽ được thay đổi tư thế một cách bị động theo sự chuyển động của chúng.
- Khi đã bị loét, không nặn, không xoa bóp vùng da loét và quanh vết loét mà nên cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chuẩn đoán, không điều trị theo mách bảo tránh nhiễm khuẩn da.
Đội ngũ y tế tại Bệnh viện 22-12 có trình độ chuyên môn cao, nhân viên điều dưỡng luôn túc trực chăm sóc bệnh nhân nằm lâu điều trị tại bệnh viện, đối với các bệnh nhân bị loét, Bệnh viện luôn trang bị các phương tiện hỗ trợ phòng ngừa loét, cùng với đội ngũ bác sĩ đánh giá có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn theo sát và phân loại nguy cơ, mức độ loét để đưa ra hướng điều trị, dự phòng phù hợp với tình trạng từng người bệnh. Bên cạnh đó, cùng với đội ngũ Điều dưỡng chăm sóc có kiến thức, tay nghề tốt và tận tâm chăm sóc cho người bệnh, để người bệnh được chăm sóc một cách chu đáo va an toàn nhất.