Các bệnh và Điều trị

Điều trị suy thận mạn tính – Những điều cần biết

Suy thận mạn tính có nghĩa là thận của bạn mất dần chức năng lọc các chất độc hại ra khỏi máu của bạn.

Bệnh viện 22-12 | Bệnh suy thận mạn tính - Những điều cần biết

Nếu bạn mắc suy thận mạn tính có nghĩa là thận của bạn dần mất chức năng lọc các chất độc hại và dịch dư thừa khỏi máu của bạn. Bệnh tuy nghiêm trọng nhưng nếu được điều trị tốt có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Hiệu quả điều trị sẽ khá tốt nếu bạn được điều trị sớm.

1. Điều trị nguyên nhân

Điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn tính là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.

Điều trị huyết áp

Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của suy thận mạn tính. Tăng huyết áp xuất hiện một phần là do lượng dịch tăng lên trong máu cũng như các mô cơ quan của bạn vì thận mất chức năng thải dịch (nước). Nếu như không được điều trị, huyết áp tăng sẽ tiếp tục hủy hoại thận của bạn cũng như dẫn tới các bệnh lý tim mạch khác.

Hầu hết bệnh nhân được kê thuốc kiểm soát huyết áp. Bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT). Những thuốc này không chỉ hạ huyết áp mà còn làm tăng chức năng cho thận. Nếu thuốc không hiệu quả hoặc một số lý do nào đó mà bạn không thể dùng thuốc, các nhóm thuốc tăng huyết áp khác sẽ được kê.

Thầy thuốc của bạn có thể cho hạ huyết áp của bạn xuống dưới mức bình thường nếu bạn không có bệnh thận khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy điều này sẽ bảo vệ thận của bạn.

Kiểm soát cholesterol

Suy thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Thầy thuốc có thể kê cho bạn thuốc statin giúp làm giảm nguy cơ này. Thuốc giúp làm giảm các cholesterol xấu, khiến chúng không thể bám vào thành các mạch máu của bạn gây nên các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu.

2. Điều trị các vấn đề gây nên bởi suy thận

Suy thận mạn tính có thể gây nên các vấn đề trên toàn cơ thể bạn. Bạn sẽ thường xuyên phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu trước khi mọi chuyện trở nên nguy hiểm.

– Ứ dịch: Dịch có thể tích tụ trong cơ thể bạn nếu thận không làm việc tốt. Điều này có thể làm chân bạn sưng lên (phù chân), cũng như làm cho huyết áp tăng cao. Nếu thận của bạn không làm việc hiệu quả, thuốc lợi tiểu sẽ giúp bạn thải bớt nước trong cơ thể qua đường nước tiểu. Thầy thuốc cũng sẽ dặn bạn hạn chế ăn muối và uống nước mỗi ngày.

– Thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng bạn có số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Thiếu máu rất thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn do thận không sản xuất đủ một chất có tên là erythropoietin (EPO).

EPO giúp duy trì quá trình tạo hồng cầu bình thường của cơ thể. Việc điều trị bao gồm tiêm một chất có hoạt động giống EPO (gọi là chất kích thích sinh EPO). Sắt cũng quan trọng cho quá trình tạo máu. Chính vì vậy nếu bạn có lượng sắt trong máu thấp, bạn nên được bổ sung viên sắt hoặc tiêm sắt bổ sung.

– Yếu xương: Vitamin D, phospho, và canxi là những nguyên tố giúp cho xương khỏe mạnh. Nếu thận của bạn bị tổn thương, việc cung cấp những chất này sẽ bị ảnh hưởng và gây nên các vấn đề khác. Đặc biệt, nếu nồng độ canxi trong máu bạn quá thấp, làm kích thích sản xuất hormone tuyến cận giáp (PTH). PTH gây nên mất canxi từ xương của bạn và dần dần theo thời gian xương sẽ biến dạng và các khớp sưng nề.

Để ngăn chặn những vấn đề này, nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính được bổ sung canxi và vitamin D. Một số bệnh nhân cũng hạn chế phosphor trong khẩu phần ăn của họ, và điều này làm tăng lượng canxi cần thiết cho xương. Cũng có thể bạn sẽ được kê một số thuốc được gọi là gắn phosphate, với mục đích làm giảm số lượng phosphate trong máu của bạn.

– Dư thừa acid: Nếu thận của bạn không thể loại bỏ hoàn toàn acid khỏi cơ thể bạn có thể rơi vào tình trạng toan chuyển hóa. Thường không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng nếu trong máu dư thừa acid sẽ dẫn tới một số vấn đề như loạn nhịp tim, co giật, hôn mê. Nếu các xét nghiệm cho thấy máu của bạn có quá nhiều acid, bạn sẽ được điều trị với các thuốc kháng acid được gọi là muối bicarbonate (banking soda).

– Quá nhiều kali: Nếu thận của bạn làm việc không hiệu quả, kali có thể tăng lên trong máu và dẫn tới tình trạng tăng kali máu. Nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ.

Bác sĩ có thể sẽ quan tâm nhiều tới nồng độ kali và khuyến cáo bạn hạn chế kali trong bữa ăn. Bạn cũng có thể được kê lợi tiểu hoặc một số loại thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và kali. Nếu tình trạng tăng kali của bạn trở nên nghiêm trọng, bạn cần nhập viện cấp cứu và xử trí kịp thời.

– Giảm protein: Khi tình trạng thận trở nên xấu hơn, ngày càng nhiều protein mất qua nước tiểu. Điều này có nghĩa nếu không đủ protein nuôi dưỡng cơ thể, bạn sẽ bị sút cân. Thầy thuốc có thể có lời khuyên cho bạn về vấn đề này.

3. Chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Bệnh nhân vẫn có thể thưởng thức những bữa ăn bên ngoài. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn có lựa chọn đúng đắn các món ăn tại nhà hàng. Bệnh nhân cũng có thể quay trở lại với các hoạt động yêu thích trước đó. Tập thể dục đầy đủ và giữ vóc dáng rất quan trọng với mỗi chúng ta. Và các đối tượng mắc bệnh thận cũng không phải ngoại lệ. 

Bệnh tật hoàn toàn có thể trở thành một thách thức phải đối mặt mỗi ngày. Tuy nhiên để kiểm soát được bệnh, có ba yếu tố quan trọng cần tuân thủ:

– Đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp tình trạng bệnh

– Tích cực hoạt động thể chất mỗi ngày

– Phối hợp với bác sĩ và đội ngũ chăm sóc y tế để nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ

Khoa Nội Bệnh viện 22-12 từ lâu là địa chỉ khám nội uy tín ở Nha Trang chuyên khám và điều trị các bệnh lý nội khoa như: tim mạch, nội tiết, hô hấp, thận, tiết niệu, thần kinh, tiêu hóa …

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích.

Liên hệ tư vấn dịch vụ: 0769 115 115 – (0258) 352 8857 để biết thêm thông tin chi tiết & đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang