Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây theo đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Bệnh rất nguy hiểm, dễ gây thành dịch và có tỷ lệ tử vong cao. Vừa qua, xuất hiện các ca bệnh bạch hầu xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, trong đó đã có ca tử vong và nhiều ca nghi ngờ do tiếp xúc gần với ca bệnh, nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trẻ em dưới 1 tuổi cần bắt đầu được tiêm chủng phòng, chống bệnh bạch hầu bằng vắc xin có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều.
Nhưng đa phần trẻ KHÔNG ĐƯỢC TIÊM NHẮC các mũi vắc xin bạch hầu khi ở độ tuổi lớn hơn. Trong khi đó, khả năng bảo vệ từ các mũi vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà không tồn tại bền vững mà giảm dần theo thời gian.
Chính vì vậy, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở nhóm trẻ nhỏ, thanh thiếu niên là rất cao, trẻ cần được tiêm nhắc để bổ sung miễn dịch, tốt nhất trước thời điểm tựu trường để tránh nhiễm và lây lan bệnh.
Người lớn cần tiêm nhắc lại vắc xin mỗi 10 năm do lượng kháng thể giảm dần, không đủ bảo vệ và suy giảm miễn dịch cộng đồng, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống bạch hầu như: Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến địa điểm công cộng, hạn chế tiếp xúc gần các đối tượng nghi ngờ khi có biểu hiện của bệnh và người về từ vùng nguy cơ dịch bệnh. Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidan hoặc thành sau họng cần đến khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị.