Vừa qua, Khoa Ngoại Bệnh viện 22-12 vừa phẫu thuật áp xe cho bệnh nhân T.V.M (57 tuổi, trú tại Cam Ranh). Thời điểm đến khám, anh M. có một khối sưng đau ở vùng vai lưng phải đã lâu. Anh dùng thuốc nhưng không đỡ mà khối sưng ngày càng phát triển và đau hơn nên đã đến khám bệnh tại Bệnh viện 22-12.
Các bác sĩ Ngoại khoa sau khi khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng, phát hiện bệnh nhân có khối sưng đỏ và tụ dịch, có kích thước khoảng 18 x 7cm, ấn đau; trên nền da có hai lỗ rỉ dịch đục + giả mạc. Cùng với đó, bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường type 2 đang được điều trị bằng thuốc. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe vùng lưng phải, chỉ định phẫu thuật điều trị.
Buổi chiều cùng ngày, anh M. được đưa lên phòng mổ. Sau khi gây mê mask thanh quản, bác sĩ rạch da hình elip dài khoảng 20cm trên khối áp xe, trào dịch mủ đặc khoảng 200ml. Bác sĩ đã tháo sạch mủ, cắt lọc tổ chức hoại tử, súc rửa sạch, cầm máu kỹ, nhét meche vết mổ.
Sau khi hồi sức sau mổ bệnh nhân được chuyển về phòng nội trú Khoa Ngoại để tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương. Do có bệnh nền đái tháo đường, các bs khoa Ngoại đã phối hợp điều trị với các bs khoa Nội, theo dõi sát, kiểm soát tốt đường huyết của bệnh nhân, đạt kết quả tối đa cho việc chăm sóc vết mổ.
Hiện tại, sau 1 tuần điều trị, vết mổ đã khô và sạch. Sức khỏe anh M. đã ổn định nên được bác sĩ cho xuất viện về nhà. Đồng thời hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà.
————–
Áp xe là tên gọi của một tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn. Được chia làm 2 nhóm chính là áp xe dưới da (trường hợp của bệnh nhân M.) và áp xe bên trong cơ thể.
Áp xe nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng dần lên với tăng kích thước, đau nhiều hơn, xâm lấn rộng ra các mô xung quanh gây vỡ. Áp xe ở mô dưới da có thể vỡ ra da và chảy mủ ra bên ngoài, một số trường hợp còn tạo ra đường dò, phá hủy một vùng mô sâu rộng, gây khó khăn cho việc điều trị sau này. Các khối áp xe trong cơ thể cũng có thể vỡ vào ổ phúc mạc, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể, nặng hơn có thể dẫn tới nhiễm trùng máu.
Vì vậy, khi bệnh nhân nghi ngờ bị áp xe, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để điều trị. Tuyệt đối không chủ quan tự mua thuốc điều trị triệu chứng ở nhà. Vì có thể ổ áp xe sẽ giảm đau tạm thời nhưng bên trong vẫn âm thầm tiến triển, gây những biến chứng nguy hiểm như trên.
Chi tiết bài viết về bệnh áp xe: https://benhvien22-12.com/benh-ap-xe-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri/