Các bệnh và Điều trị

Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh đường tiết niệu ở cả nam và nữ.

Khi sỏi còn nhỏ không gây bế tắc đường tiết niệu, thì chúng không gây triệu chứng gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi sỏi gây bế tắc, sẽ làm bệnh nhân đau đớn, nhiễm trùng và làm suy giảm chức năng thận, thậm chí gây tử vong.

sỏi tiết niệu

1. Sỏi tiết niệu là gì?

Trên cơ thể người, Hệ tiết niệu gồm hai thận, hai niệu quản hai bên, rồi đến bàng quang và cuối cùng là niệu đạo. Sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu điều đó chứng tỏ bạn đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy có nghĩa là: sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

2. Phân loại sỏi đường tiết niệu

Dựa vào đặc điểm và tính chất của sỏi: Đây là cách phân loại quan trọng được ứng dụng trong điều trị để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Để phân loại sỏi tiết niệu, người ta thường dựa vào 2 cách sau:

Theo vị trí sỏi

  • Sỏi thận: Bao gồm sỏi bể thận, sỏi đài bể thận, sỏi đài thận, sỏi san hô và sỏi bán san hô.
  • Sỏi niệu quản: Chia nhỏ thành sỏi 1⁄3 trên, 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới.
  • Sỏi bàng quang
  • Sỏi niệu đạo

Dựa vào thành phần hóa học của sỏi

  • Sỏi vô cơ gồm:
  • Sỏi oxalat canxi: Là loại sỏi chủ yếu, hay gặp ở Việt Nam chiếm > 80%
  • Sỏi phosphat canxi: Có màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn và dễ vỡ
  • Sỏi cacbonat canxi: Màu trắng như sữa, dễ vỡ.

Sỏi hữu cơ gồm:

  • Sỏi urat: Thường gặp trên những người có tăng acid uric máu, người bệnh gout.
  • Sỏi systin: Nhẵn màu vàng nhạt, hay tái phát
  • Sỏi struvite: Màu vàng trắng, thường do nhiễm khuẩn đường tiết niệu

3. Biểu hiện của sỏi đường tiết niệu

Tùy từng vị trí có sỏi mà có các triệu chứng khác nhau, từ không có triệu chứng (khi bệnh nhân tình cờ phát hiện khi đi khám bệnh) đến những triệu chứng rất rầm rộ, nghiêm trọng. Sỏi tiết niệu nhìn chung bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng sau:

 Đau thắt lưng mạn tính: Có cảm giác đau nặng nề, tức khó chịu vùng thắt lưng một hoặc hai bên, khi vận động đau sẽ tăng.

– Cơn đau cấp tính: cơn đau quặn thận, xuất hiện đau đột ngột sau lao động, từ thắt lưng sau đó lan xuống vùng bẹn, bộ phận sinh dục. Đau do nguyên nhân sỏi thận rơi xuống niệu quản gây ra sỏi niệu quản.

– Đái ra máu: Người bệnh tiểu ra nước có màu đỏ nhạt tựa như nước rửa thịt.

 Đái ra sỏi: trường hợp này ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán.

– Nước tiểu có mủ: Nước tiểu đục, hay gặp ở những bệnh nhân có ứ mủ bể thận.

Nhiễm khuẩn tiết niệu do sỏi gây ứ nước: Người bệnh sốt cao rét run có đái buốt, đái rắt có thể kèm nhức đầu, nôn và buồn nôn.

4. Nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu?

Sỏi tiết niệu do nhiều nguyên nhân. Sỏi thường do các muối khoáng hòa tan (canxi, oxalat, urat…) có trong nước tiểu. Khi cơ thể xuất hiện những rối loạn về mặt sinh lý bệnh kết hợp những yếu tố thuận lợi như: giảm lưu lượng nước tiểu, có nhiễm khuẩn tiết niệu, sự thay đổi pH nước tiểu, bị dị dạng đường niệu, cộng thêm yếu tố di truyền,… thì các muối khoáng hòa tan đó sẽ kết tinh, hình thành nên nhân nhỏ và lớn dần thành sỏi tiết niệu.

5. Ai dễ bị sỏi tiết niệu?

Những đối tượng dễ mắc sỏi tiết niệu gồm:

  • Có bất thường bẩm sinh ở đường tiết niệu;
  • Gia đình có người từng mắc sỏi tiết niệu;
  • Người bệnh đã từng trải qua can thiệp ở đường tiết niệu;
  • Có tiền sử viêm đường tiết niệu nhiều lần;
  • Những người uống ít nước, đặc biệt là người cao tuổi;
  • Những bệnh nhân nằm bất động nhiều ngày;
  • Mắc các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa: toan chuyển hóa mạn, tăng canxi niệu…;
  • Có sử dụng một số loại thuốc;
  • Lao động trong môi trường nóng bức;
  • Những người thường xuyên nhịn đi tiểu.

6. Chẩn đoán sỏi tiết niệu

Để chẩn đoán bệnh sỏi tiết niệu, bác sĩ ngoài khám lâm sàng, dựa vào tiền sử bệnh thì cần chỉ định chụp X-quang hệ tiết niệu, siêu âm. Tuy nhiên, có hơn 10% sỏi tiết niệu thuộc loại không cản quang nên khi chụp X-quang rất có thể không phát hiện thấy sỏi. Và để khắc phục tình trạng này thì bác sĩ nên chỉ định chụp niệu đồ tĩnh mạch sẽ cho kết quả chính xác hơn hoặc chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ giúp phát hiện ra các loại sỏi nhỏ hơn.

‎Hiện nay, để phát hiện sỏi, siêu âm đang được ứng dụng khá rộng rãi và cho kết quả chẩn đoán tốt. Siêu âm không những cho biết được số lượng, kích thước và vị trí của sỏi mà còn biết được tình trạng đường tiết niệu có đài bể thận, niệu quản giãn hay không, niêm mạc bàng quang thế nào…

‎Ngoài ra còn làm thêm xét nghiệm nước tiểu để biết thêm sỏi đường tiết niệu, sỏi thuộc loại gì; trong nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu hay trụ hạt hay không. Trong nhiều trường hợp cần thì nuôi cấy nước tiểu giúp xác định có bị nhiễm khuẩn hay không, để lên phác đồ điều trị hợp lý.

7. Biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu gây ra khá nhiều những biến chứng phức tạp: Đau thắt lưng, tiểu rắt, tiểu són, rối loạn tiểu tiện, nặng hơn có thể sỏi rơi xuống niệu quản làm bệnh nhân đau dữ dội, gây tổn thương niệu quản và chảy máu, nghiêm trọng hơn sẽ gây nhiễm trùng làm viêm ứ mủ ở thận. Ngoài ra sỏi niệu quản có thể làm ứ đọng nước tiểu dẫn đến dãn đài bể thận gây nguy cơ suy thận rất nguy hiểm.

8. Cách điều trị 

Bệnh hoàn toàn có thể điều trị được, nhất là khi phát hiện sớm sỏi còn nhỏ. Nếu chậm trễ sỏi đã lớn sẽ gây nhiều biến chứng, dẫn đến việc điều trị sẽ khó khăn, chi phí tốn kém, gây đau cho người bệnh.

– Điều trị sỏi bằng cách giảm đau: Tùy từng vị trí và tính chất của sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thích hợp. Các opioid như morphin và fentanyl có thể giúp cải thiện các triệu chứng cơn đau quặn thận; Sử dụng các thuốc chẹn thụ thể alpha như tamsulosin (liệu pháp điều trị tống sỏi) để tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi di chuyển.

Bệnh nhân có sỏi nhỏ đường kính <1 cm, không bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn, có thể uống thuốc giảm đau và ở những bệnh nhân có thể dung nạp với bù dịch có thể được điều trị tại nhà với thuốc chẹn thụ thể alpha để tạo điều kiện cho việc tống sỏi. Trong trường hợp sỏi không bài xuất được trong vòng 6 đến 8 tuần thường phải can thiệp lấy sỏi. Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng và tắc nghẽn, điều trị cần giải quyết tắc nghẽn bằng đặt sonde JJ niệu quản và điều trị nhiễm trùng, tiếp đó là lấy sỏi càng sớm càng tốt.

– Kỹ thuật can thiệp lấy sỏi: Điều này phụ thuộc vào vị trí và kích thước của sỏi. Có thể chỉ định các kỹ thuật bao gồm: tán sỏi và nội soi lấy sỏi. Kỹ thuật nội soi bao gồm nội soi niệu quản ống mềm hoặc ống cứng lấy sỏi trực tiếp hoặc phá vỡ sỏi sử dụng một số dụng cụ tán sỏi (ví dụ, khí nén, siêu âm, laser) hoặc cả hai.
– Điều trị làm tan sỏi: Đối với sỏi acid uric ở đường niệu trên hoặc dưới nhiều khi có thể được hòa tan bằng các liệu pháp kiềm hóa nước tiểu kéo dài: có thêr sử dụng kali citrat 20 mEq uống 2 đến 3 lần/ ngày, tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được đối với sỏi canxi và cũng rất khó đối với sỏi cystine.

Bệnh viện 22-12 là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang