NỘI DUNG CHÍNH
Nhiều người bệnh lo lắng thoát vị bẹn có nguy hiểm không? Liệu mổ thoát vị bẹn có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin khoa học giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong bụng (mạc nối, ruột…) không còn nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn.
Ai có nguy cơ bị thoát vị bẹn?
Sự thật là bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng của bệnh lý này. Tuy nhiên, người cao tuổi, người thường xuyên lao động nặng nhọc, táo bón kéo dài, ho dai dẳng kéo dài trong viêm phế quản mạn… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng thoát vị bẹn hoàn toàn có thể để lại những biến chứng nguy hiểm.
Do đó, việc trang bị kiến thức về bệnh lý này là vô cùng cần thiết để chủ động theo dõi sức khỏe và đưa ra những phương pháp phòng tránh phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn?
Người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như xuất hiện các khối phồng vùng bẹn, tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm. Cùng với đó, bạn có thể cảm thấy đau tức khi ho, tập thể dục hoặc cúi xuống; cảm giác nóng ran, đau nhói, cảm giác nặng hoặc đầy ở bẹn; sưng bìu ở nam giới…
Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể giống với triệu chứng của một số bệnh thuộc cơ quan sinh dục như xoắn tinh hoàn, tràn dịch tinh mạc… Vì vậy, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán, điều trị chính xác tình trạng gặp phải
Các biến chứng của thoát vị bẹn
Trường hợp nhẹ thoát vị bẹn có thể gây đau tức vùng bẹn khi đứng lâu, khi ho, rặn, gắng sức… làm ảnh hưởng sinh hoạt, tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể hạn chế hoạt động thể lực do đau khi gắng sức, làm ảnh hưởng tới sức khỏe chung.
Trường hợp không chữa trị trong thời gian dài, tạng thoát vị thường xuyên trồi ra ngoài và dính vào mô xung quanh, không thể trở lại ổ bụng nữa, gọi là thoát vị kẹt. Lúc này bệnh nhân sẽ khó chịu nhiều hơn và có nguy cơ chấn thương tạng thoát vị.
Một số trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nghẹt, tức là tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng. Nếu tạng thoát vị là ruột thì có thể gây tắc ruột, biểu hiện bởi các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, không đánh hơi và đi cầu được. Nếu không mổ kịp thời trong vòng 4-6 tiếng sau khi khởi phát thì ruột có thể hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân và khi phẫu thuật điều trị cũng phức tạp hơn, cần cắt bỏ đoạn ruột, và có thể không đặt được lưới để gia cố vùng bẹn, do đó tăng nguy cơ tái phát.
Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?
Thoát vị bẹn nhìn chung không nguy hiểm, bệnh nhân có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng khó chịu nào. Nếu thoát vị bẹn nặng, người bệnh có thể có cảm giác đau, căng tức vùng bẹn nhất là khi đứng, khi ho hoặc bê vác vật nặng khiến cơ quan ổ bụng bị đẩy vào túi thoát vị nhiều hơn.
Bệnh nguy hiểm khi tiến triển thành biến chứng nặng như: thoát vị bẹn nghẹt hoặc thoát vị kẹt.
Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn. Đây là một phẫu thuật rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh nếu được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng tình huống cụ thể.
Thoát vị bẹn có ảnh hưởng đến sinh sản không? Thực tế, thoát vị bẹn nếu được điều trị sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi và không ảnh hưởng gì tới sinh sản của người bệnh.
Khi có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh thoát vị bẹn, chúng ta cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt, nếu đúng là mắc thoát vị bẹn thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều, tránh được biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Quý khách vui lòng gọi đến số 0769 115 115 để được tư vấn và đặt lịch khám!