Các bệnh và Điều trị

Thời gian tháo phương tiện sau phẫu thuật kết hợp xương

Nhiều người bệnh khi bị gãy xương, cần phải phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít hay định nội tủy. Sau một khoảng thời gian nhất định, những dụng cụ này có thể phải tháo ra. Vậy thời gian rút đinh/tháo nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?

 

Bệnh viện 22-12 | Thời gian tháo phương tiện sau phẫu thuật kết hợp xương

 

Phương tiện kết hợp xương là gì?

Trong các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, bác sĩ thường dùng các bộ dụng cụ được làm bằng kim loại như các tấm nẹp, ốc vít, đinh nội tủy, đinh kirschner, dây…vv để gắn vào cơ thể. Các dụng cụ chấn thương chỉnh hình này được tạo nên từ thép không gỉ hoặc titanium. Chúng có tác dụng cố định, chịu lực giúp cho xương mau liền và được gọi chung là phương tiện kết hợp xương.

Khi nào nên tháo dụng cụ đinh, nẹp xương?

Trải qua một thời gian nhất định, khi phần xương đã hoàn toàn bình phục; những phương tiện kết hợp xương sẽ không còn tác dụng gì nữa. Chúng trở thành dị vật trong cơ thể người. Đinh, nẹp xương có thể gây viêm, gây khó chịu hoặc vướng víu khi thực hiện những thao tác hoạt động hằng ngày. Đây là lúc chúng ta cần xem xét tháo bỏ dụng cụ đinh, nẹp xương.

Tuy nhiên về nguyên tắc: Nếu ở chi trên, đinh/nẹp được làm bằng kim loại cứng và không có biểu hiện lâm sàng bất lợi thì có thể để yên tại chỗ. Việc tháo nẹp kim loại ở xương cánh tay hay ở xương quay có thể làm tổn thương thần kinh quay và chỉ nên tháo ra khi có các triệu chứng trên lâm sàng quan trọng hay có biến chứng.

Nếu ở chi dưới, chỉ định tháo dụng cụ kết xương tùy thuộc vào kiểu dụng cụ và vào thành phần hợp kim tạo nên dụng cụ. Những con vít đơn độc làm bằng thép 316L cũng như nẹp và vít làm bằng titan thuần (không pha với các kim loại khác) theo nguyên tắc có thể để yên vĩnh viễn, không cần lấy ra.

Thời gian rút đinh/tháo nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?

Thời gian rút dụng cụ đinh, nẹp xương phụ thuộc vào từng vị trí mà xương gãy. Theo khuyến cáo của tài liệu Manual Of Internal Fixation thuộc nhóm tác giả AO; các dụng cụ làm bằng thép không gỉ ở những vùng xương chịu tải trọng cơ thể thường được tháo ra với thời gian như trong bảng sau đây:

Vị trí xương

Thời gian tháo phương tiện kết hợp xương

Hai mắt cá                

8-12 tháng

Trần chày                        

12-18 tháng

Thân xương chày

– Nẹp vít: 12-24 tháng

– Đinh nội tủy: 12-24 tháng

Đầu xương chày

12-18 tháng

Bánh chè néo ép kiểu cột buồm

8-12 tháng

Lồi cầu xương đùi

12-24 tháng

Thân xương đùi

– Một nẹp: 24-36 tháng

– Hai nẹp: từ 18 tháng chia hai giai đoạn cách nhau 6 tháng

– Đinh nội tủy: 24-36 tháng

Mấu chuyển và cổ xương đùi

12-18 tháng

Khung chậu (trừ khi có than phiền)

Từ tháng thứ 10 trở đi

 

Chi trên (tùy chọn lựa)

12-18 tháng

Xương đòn

Khoảng 6 tháng

Xương cột sống           

Tùy từng trường hợp, không có thời gian chung, đa phần sẽ để vĩnh viễn

Trường hợp nào buộc phải rút đinh/tháo nẹp xương sớm?

Ta cần tháo sớm trong các trường hợp gãy hoặc hỏng đinh/nẹp, nhiễm khuẩn dụng cụ kết hợp xương, hoại tử vô khuẩn ổ gãy, tổn thương nội khớp, viêm gân hay đứt gân do dụng cụ…vv

Trường hợp nào nên rút đinh/tháo nẹp xương muộn hơn bình thường?

Khi xương chậm liền và tiên lượng xương sẽ liền thêm nếu để lại phương tiện kết hợp xương thì nên rút đinh, tháo nẹp muộn hơn bình thường. Hay gặp ở người già, người dinh dưỡng kém, thiếu canxi…

Trường hợp gãy phức tạp, trường hợp đòi hỏi thời gian liền xương lâu cũng cần phải để đinh, nẹp muộn lại.

Trường hợp nào không nên rút đinh/tháo nẹp xương?

Những người già yếu, nhiều bệnh lý nền sẽ đối mặt với những rủi ro cao trong mổ. Sau mổ tiên lượng kém. Nói chung bác sĩ sẽ cân nhắc khi lợi ích nhỏ hơn tác hại nếu mổ thì sẽ không phẫu thuật tháo phương tiện kết hợp xương.

Rút đinh/tháo nẹp xương sớm có sao không?

Khi rút đinh/tháo nẹp xương sớm hơn khuyến cáo, xương vẫn chưa liền hẳn. Hai đầu xương gãy sẽ không còn bộ khung định hướng quá trình liền. Khả năng chịu lực của xương chưa đảm bảo. Người bệnh sẽ đối mặt một số nguy cơ như gãy xương lại, hai đầu xương di lệch, xương chậm liền, khớp giả.

Rút đinh/tháo nẹp xương muộn thì như thế nào?

Đinh hay nẹp để càng lâu thì xương sẽ càng bám chặt vào đinh/nẹp gây khó khăn khi lấy ra. Có trường hợp những can xương bò phủ qua cả dụng cụ kết hợp xương. Điều này khiến đinh/nẹp không thể lấy ra được nữa hoặc chỉ lấy được một phần không hết.

 

Bệnh viện 22-12 | Thời gian tháo phương tiện kết hợp xương

Hình ảnh X-quang sau khi phẫu thuật kết hợp xương (trái) và trước khi tháo phương tiện kết hợp xương (phải)

 

Tiếp tục để lại đinh, nẹp xương trong người sẽ có ảnh hưởng gì?

Khi thay đổi thời tiết, có thể bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu. Các dụng cụ kết hợp xương làm bằng kim loại và bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Chẳng hạn như thời tiết trở nên lạnh, kim loại sẽ giảm nhiệt nhanh hơn so với cơ thể người; bệnh nhân sẽ bị đau buốt.

Một số phiền toái khác: Bệnh nhân có nhu cầu đi lại khi qua cửa an ninh, máy kiểm soát báo động vì họ có kim loại trong người; bệnh nhân chụp cộng hưởng từ, kim loại có thể làm hỏng từ trường, không thể chuyển thành hình ảnh được; bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính, kim loại gây nhiễu hình…vv

Một số nghiên cứu cho biết nếu bệnh nhân để kim loại quá lâu trong cơ thể; họ có khả năng bị nhiễm kim loại. Tuy nhiên, nguy cơ này rất thấp.

Sau khi rút đinh/tháo nẹp xương ra khỏi cơ thể thì bao lâu xương sẽ lành hẳn?

Sau khi lấy đinh, thì dường như không ảnh hưởng đến xương khi đi lại. Khoảng một tuần hoặc có khi ngay sau khi rút, người bệnh có thể đi lại được bình thường. Bệnh nhân chỉ bị đau vết mổ và vấn đề rút đinh không ảnh hưởng nhiều đến xương.

Nẹp xương thì có rất nhiều lỗ vít. Có trường hợp phải đặt từ 10-12 vít tức là trên xương người bệnh có 10-12 lỗ. Những lỗ vít đó ảnh hưởng không lớn. Khi các bác sĩ lấy ra, họ sẽ cẩn thận và căn dặn bệnh nhân tránh làm các việc nặng bởi vì nguy cơ gãy xương lại có thể xảy ra. Trong vòng từ 2-3 tháng, những lỗ vít đó sẽ có khả năng tự bít lại.

Bao lâu sau ca phẫu thuật lấy rút đinh/tháo nẹp xương, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường?

Sau tháo đinh, nẹp thì nhìn chung chúng ta chỉ cần chờ vết mổ lành lại là có thể thể trở lại sinh hoạt bình thường. Có thể tái khám để bác sĩ đánh giá theo dõi sát và đưa ra hướng dẫn cụ thể trong quá trình hồi phục này.

Quý khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 hoặc inbox fanpage Bệnh viện 22-12 để được tư vấn dịch vụ!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang