Các bệnh và Điều trị

Thời gian vàng để cấp cứu cho người bị đột quỵ

Đột quỵ là gì? Phân loại đột quỵ

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ não và đột quỵ tim.

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não không được cung cấp máu do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người không phát hiện được chứng đột quỵ, khiến thời gian điều trị bị chậm trễ, dẫn đến tàn tật, rơi vào hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.

Đột quỵ tim hay thường gọi là nhồi máu cơ tim cấp, là tình trạng đau tim khi cơ tim bị thiếu máu và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch, gây ra hậu quả là tình trạng suy tim, sốc tim hoặc tử vong,…. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn

Thời gian “vàng” cấp cứu cho người đột quỵ

Đối với trường hợp thiếu máu não, từ khi khởi phát cơn đột quỵ đến 4,5 hoặc 6 giờ đầu là thời gian “vàng” để cấp cứu. Trong vòng 4,5 giờ là áp dụng cho phương pháp sử dụng thuốc tan máu đông bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch rTPA. Trong vòng 6 giờ là áp dụng cho phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Qua cột mốc 6 giờ, người bệnh có thể rơi vào hôn mê sâu, bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong do mạch máu không được khai thông kịp thời.

Đối với trường hợp xuất huyết não thì phương pháp điều trị và hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và mức độ xuất huyết. Nhưng nguyên tắc chung vẫn là cấp cứu càng sớm càng tốt trong 03 giờ đầu tiên.

Đối với đột quỵ tim có 4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý để không bỏ lỡ “giờ vàng” điều trị. Đó là:

  • Giờ vàng: Đó là 1-2 giờ đầu bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực. Lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ nên việc tái tưới máu cơ tim hiệu quả nhất, hạn chế cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.
  • Giờ bạc: Là 2-6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim. Lúc này, một lượng cơ tim tổn thương nhất định, việc cứu cơ tim sẽ giảm hiệu quả hơn.
  • Giờ đồng: Từ 6-12 giờ xuất hiện triệu chứng, những cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn, có nguy cơ biến chứng nặng.
  • Giờ hy vọng mong manh: Sau 12 giờ khởi phát cơn đau thắt ngực. Giai đoạn này, cơ tim chết lan rộng, tỷ lệ thành công khi can thiệp rất thấp, nguy cơ để lại nhiều di chứng, tử vong cao.

Thời gian “vàng” để cấp cứu cho người đột quỵ là rất quan trọng nhằm tránh các biến chứng và nguy cơ tử vong cho người đột quỵ. Ngay cả người có các triệu chứng nhẹ, sau đó biến mất cũng cần hết sức cẩn thận. Nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ nặng nề có thể xảy ra sau đó một tuần hoặc lâu hơn. Do đó khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ sớm hoặc đã bị đột quỵ thì người nhà không nên chủ quan và cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tận dụng thời gian “vàng” trong cấp cứu cho người bị đột quỵ.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 0769 115 115 hoặc inbox fanpage để biết thêm chi tiết!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang