NỘI DUNG CHÍNH
Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khoẻ được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Các chuyên gia về tim mạch khuyên rằng: để có một trái tim khỏe mạnh, mỗi chúng ta cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày sao cho đầy đủ và hợp lý.
Dưới đây là một số gợi ý trong chế độ dinh dưỡng ăn uống có lợi cho người bệnh tim mạch và những người khỏe mạnh muốn phòng ngừa căn bệnh này.
1. Kiểm soát khẩu phần ăn
Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn ăn bao nhiêu cũng quan trọng như ăn những gì. Ăn quá no vừa tạo gánh nặng cho dạ dày vừa dễ gây tăng cân, một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, chỉ ăn vừa đủ và ngưng khi não phát tín hiệu dạ dày đã được lấp đầy 70-80%.
2. Ăn nhiều rau xanh, củ và trái cây
Rau, củ và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, lại ít calo, giàu chất xơ. Bạn cần ăn khoảng 500 gram rau củ và trái cây mỗi ngày và đa dạng các loại rau củ quả. Tăng lượng rau củ quả trong bữa ăn cũng sẽ giúp bạn giảm thực phẩm có hàm lượng calo cao chẳng hạn như thịt đỏ, thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh. Giống như những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác, rau và trái cây còn giàu chất chống oxy hóa – thành phần giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Một số loại thực phẩm tốt cho tim mạch:
Khoai lang : Bổ sung khoai lang vào thực đơn hằng ngày hay ăn sáng với khoai lang là một thói quen tốt cho tim mạch. Chất xơ phong phú trong khoai lang giúp giảm mỡ máu, các chất khác như carotenoid, lycopene và vitamin A có thể kiểm soát đường huyết, tránh các nguy cơ gia tăng gánh nặng lên hệ tuần hoàn, tim mạch.
Bơ: Quả bơ có chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó, kali giúp ổn định huyết áp; chất béo không bão hòa đơn tốt cho tim mạch; carotenoid, chất xơ, vitamin C có tác dụng hỗ trợ tích cực trong điều trị bệnh tim.
Cam: Kali trong cam giúp chống oxy hóa và kiểm soát huyết áp rất tốt. Ngoài ra, cam còn chứa pectin giúp giảm đáng kể lượng cholesterol có hại cho tim mạch.
Cà chua: Những người thường xuyên ăn cà chua sẽ rất ít khi mắc bệnh tim mạch do cà chua chứa nhiều lycopen và vitamin C – chất chống oxy hóa, ngăn ngừa viêm nhiễm, giảm nguy cơ đột quỵ, bảo vệ tế bào, ổn định huyết áp.
Dâu: Dù là dâu tươi hay dâu sấy khô, loại trái cây vừa đẹp mắt vừa ngon ngọt này chứa rất ít chất béo và calo, giúp những người muốn giữ dáng, giảm béo không phải băn khoăn khi sử dụng. Mặt khác, dâu chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, từ đó ổn định huyết áp ở người bình thường lẫn người mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch.
Cà rốt: Dù cho có hương vị ngọt ngào, thực tế, cà rốt không làm nặng hơn tình trạng tiểu đường mà ngược lại còn rất tốt cho người mắc bệnh này. Ngoài ra, cà rốt còn là loại củ tốt cho tim, giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, ngăn ngừa các cơn đau tim.
Dưa hấu: Không chỉ là loại trái cây ngon miệng, giải nhiệt, dưa hấu còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ và lycopen giúp phòng ngừa bệnh ung thư và tim mạch. Citrulline có trong dưa hấu còn tốt cho người mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và rối loạn cương dương.
3. Tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan, beta glucan góp phần giảm mức cholesterol, giảm huyết áp. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn bằng cách thay thế chúng cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
4. Giảm chất béo trong chế độ ăn
Người bị bệnh tim mạch nên giảm chất béo, tăng cường chất xơ. Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải hạn chế sử dụng chất béo với cơ cấu lượng mỡ dưới 30% tổng năng lượng, nhất là lượng chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa cần phải hạn chế dưới 10% vì nó là nguyên nhân chính và trực tiếp làm tăng cholesterol máu và cholesterol tăng cao là một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra chứng xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch vành. Do đó, cần phải thực hiện chế độ ăn giảm đến mức tối đa lượng cholesterol. Và phải thực hiện việc điều trị triệt để tình trạng tăng cholesterol
– Chọn loại thịt nạc trắng như thịt lườn gà bỏ da…
– Chọn ăn dầu ô liu, dầu hạt cải (canola), dầu thực vật, các loại quả hạch (hạnh nhân, óc chó), quả bơ… Tuy nhiên, tất cả các loại chất béo đều có hàm lượng calo cao nên bạn không nên lạm dụng, chỉ ăn với lượng vừa phải để bảo vệ sức khỏe trái tim.
– Không ăn các loại thực phẩm, thịt chế biến sẵn, các thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao (các loại thực phẩm này có chứa axit béo dạng trans).
– Kiểm tra nhãn thực phẩm khi mua hàng để biết lượng axit béo dạng trans trong thực phẩm. Tốt nhất, bạn không nên mua thực phẩm có lượng axit béo dạng trans.
5. Chọn nguồn protein ít chất béo
Cá, thịt gia cầm (bỏ da), thịt nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo và trứng là những nguồn cung cấp protein có lợi mà bạn nên lựa chọn. Cá có chứa nhiều axit béo omega-3, có tác dụng hỗ trợ bảo vệ tim mạch, giúp giảm triglixerit trong máu. Những nguồn omega-3 dồi dào nhất đến từ cá hồi, cá thu và cá trích. Bạn nên ăn cá ít nhất hai lần một tuần, trong đó, một lần là cá có dầu. Các loại hạt như hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải cũng chứa nhiều omega-3.
Protein nguồn gốc thực vật có trong các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu thận, đậu lăng… rất có lợi, ít chất béo và không chứa cholesterol. Thay vì ăn hamburger bò (protein động vật), bạn có thể ăn chiếc bánh burger đậu nành (protein thực vật) để giảm lượng chất béo và cholesterol, đồng thời tăng lượng chất xơ nạp vào.
6. Giảm lượng muối ăn
Để phòng ngừa tăng huyết áp, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải hạn chế lượng muối ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo lượng muối ăn tối đa trong chế độ ăn mỗi ngày là 3g, nhưng thông thường chúng ta ăn gấp đôi số này. Vì trong thức ăn chế biến sẵn và các loại thực phẩm tự nhiên cũng đã có một lượng muối khoáng nhất định. Do đó, chú ý hạn chế các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.
7. Uống đủ nước
Cung cấp đủ nước giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và ăn ít hơn. Không chỉ có người bệnh tim mạch, bất kỳ ai cũng cần nạp đủ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày. Bạn nên uống nước lọc, nước trái cây nguyên chất không đường, nước canh, súp… Bạn không nên uống các loại nước ngọt (nước ngọt có ga, nước tăng lực, nước ép đóng hộp… )
8. Kiểm soát trọng lượng
Béo phì, thừa cân là yếu tố nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý như: đái tháo đường, tim mạch. Do vậy, trong chế độ ăn hàng ngày việc giảm cung cấp năng lượng sẽ làm giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, còn phải tập thể dục thể thao để cơ thể duy trì cân nặng ở mức lý tưởng
9. Cần tránh xa bia, rượu
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng rượu có tác dụng phức tạp đối với sức khỏe tim mạch. Do đó, cần phải tránh xa bia rượu. Mặt khác, các chuyên gia tim mạch lại cho rằng việc uống một ít rượu vang đỏ làm giảm nguy cơ lên cơn đau tim, vì các lý do như sau:
Thứ nhất, rượu làm tăng nồng độ loại cholesterol tốt (HDL) trong máu, giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
Thứ hai, vài loại rượu có khả năng hạn chế sự đông máu, đây là quá trình chính dẫn đến cơn đau tim.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định chính xác chất nào có trong rượu vang đỏ có tác dụng hạn chế đông máu nói trên.
Để có thể phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, ngoài việc phải tập luyện thể dục thể thao thì chế độ ăn đầy đủ chất trong phạm vi nhất định theo tỉ lệ nhất định có vai trò rất lớn.
Ngoài ra thường xuyên thực hiện tầm soát sức khỏe tổng quát giúp kiểm tra sức khỏe toàn diện, được sự tư vấn và thăm khám nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Qua đó, khách hàng có thể đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của bản thân và gia đình nhằm kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, điều trị kịp thời, tiết kiệm chi phí.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn những gói khám sức khỏe cần thiết Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857