NỘI DUNG CHÍNH
Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em. Trung bình trẻ dưới 2 tuổi đều bị tiêu chảy 2- 3 đợt/ năm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cha mẹ có con nhỏ được phép chủ quan, lơ là trong việc chữa trị bệnh tiêu chảy. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em cũng như cách điều trị sẽ giúp các bậc cha mẹ bảo vệ sức khỏe cho con mình.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
- Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tiêu chảy là nhiễm trùng đường ruột. Một số ký sinh trùng, vi khuẩn có trong thức ăn ôi thiu, thực phẩm bẩn hoặc môi trường sống kém vệ sinh. Chúng sẽ theo đường tiêu hóa thâm nhập vào đường ruột gây nhiễm trùng. Từ đó hình thành bệnh tiêu chảy.
- Bé sử dụng bình sữa không được vệ sinh sạch sẽ. Sữa trong bình để ngoài môi trường quá thời gian khuyến cáo (1-2h)
- Nguồn nước uống không sạch, nước bị nhiễm khuẩn
- Các bé có chế độ ăn uống chưa hợp lí, không phù hợp với độ tuổi
- Với bé đang ti mẹ, mẹ ăn trúng thức ăn không phù hợp, khi con bú sẽ gây tiêu chảy
- Dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm
- Sử dụng kháng sinh kéo dài
- Đi vệ sinh hoặc xử lí chất thải vệ sinh không đúng cách. Không rửa tay sát khuẩn
- Môi trường sống không sạch sẽ dẫn đến lây nhiễm virus, đặc biệt là Rotavirus
- Ngoài ra, trẻ em bị một số bệnh như chứng kích thích ruột, bệnh Crohn, bệnh Celiac cũng… Cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy ở nhiều trẻ.
Biểu hiện bệnh tiêu chảy
– Đi ngoài nhiều lần trong ngày: Trẻ bị tiêu chảy thường đi ngoài ít nhất 5 lần trong ngày. Tình trạng phân lỏng, nhiều nước, có mùi tanh hoặc chua, đôi khi lẫn nhầy.
– Bé nôn trớ, ói: Khi bị tiêu chảy, trẻ thường có hiện tượng nôn trớ do virus Rota hoặc do tụ cầu. Nôn liên tục khiến trẻ dễ bị mất nước và các chất điện giải. Lúc này, trẻ sẽ có cảm giác khát nước, niêm mạc mắt bị khô, mất sự đàn hồi của da, thóp trũng, tụt huyết áp, có thể ngất xỉu. Bố mẹ cần có hướng xử lý kịp thời.
– Trẻ biếng ăn: Dấu hiệu biếng ăn có thể xuất hiện trước khi bé bị tiêu chảy cấp nhiều ngày, bé chán ăn, bỏ bú, chỉ thích uống nước.
– Có thể có sốt, đau bụng, ho, chảy mũi.
– Đau rát hậu môn: Trẻ bị tiêu chảy do phải đi ngoài nhiều lần, đôi khi còn bị tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng đau rát hậu môn.
– Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc: Bé bị tiêu chảy thường hay mệt mỏi, quấy khóc, nhát chơi, thậm chí có một vài trường hợp hôn mê li bì do mất nước nặng.
– Các dấu hiệu nặng: thở mạnh, sâu, môi đỏ, chướng bụng, liệt ruột cơ năng, rối loạn nhịp tim, nhược cơ toàn thân. Cần đưa trẻ đi viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Điều trị bệnh tiêu chảy
– Khi trẻ bị tiêu chảy, mất nước, ba mẹ cần bù nước ngay cho con bằng cách cho con uống dung dịch Oresol. Cần pha dung dịch này theo đúng hướng dẫn sử dụng. Nếu để qua 24h phải đổ bỏ không cho trẻ uống lại. Nên cho trẻ uống Oresol thay nước lọc vì nếu trẻ mất nước. Uống nhiều nước lọc sẽ gây ách bụng, dễ nôn trớ, ọc lại ra ngoài
– Nếu trẻ không hợp tác khi uống nước bù điện giải Oresol, cha mẹ có thể thay bằng nước cháo muối loãng, nước hoa quả, súp, nước canh, nước dừa.
– Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo nôn nhiều, việc bù nước cần thực hiện từ từ, cần cho trẻ uống từng ít một. Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa. Với trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút.
– Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
Cần chú ý duy trì chế độ ăn thích hợp
+ Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ
+ Trẻ còn bú mẹ: mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cùng thực phẩm sạch và cho con bú nhiều.
+ Trẻ bú sữa công thức: Nếu trẻ bú sữa công thức, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Trong một vài trường hợp bé bị tiêu chảy do rotavirus có hiện tượng kém dung nạp với đường lactose trong sữa. Nên thay sữa đang bú bằng các loại sữa không có đường lactose theo chỉ định của bác sĩ.
+ Tránh dùng các loại thực phẩm có lượng đường nhiều, lượng đạm và các chất điện giải thấp, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt.
+ Tránh sử dụng các dung dịch nước quả công nghiệp, nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy tăng và rối loạn các chất điện giải trong cơ thể.
Cần đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế khi nào?
Vì là bệnh cơ bản dễ gặp, cha mẹ có thể bình tĩnh xử lí tại nhà. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến khám ngay nếu:
- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục)
- Nôn tái diễn, trở nên rất khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị
- Sốt cao hơn hoặc có máu trong phân, nếp véo da mất chậm…
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy
– Cha mẹ cần chú ý cho con ăn chín, uống sôi. Tránh xa các loại thực phẩm gây dị ứng, ngộ độc. Rửa tay sát khuẩn trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh hoặc xử lí chất thải vệ sinh của trẻ. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
– Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh một cách hữu hiệu nhất, cha mẹ nên cho con uống Rotarix theo tiêm chủng định kì để phòng ngừa rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ.
Hiện nay, Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện 22-12 có sẵn nhiều vacxin rotarix. Tại đây, rất nhiều trẻ uống rotarix định kỳ. Cùng với đó, Khoa nhi Bệnh viện 22-12 với đội ngũ bác sĩ chuyên môn sâu rộng với kinh nghiệm lâu dài đã chữa trị cho hàng trăm ca bệnh bị tiêu chảy. Trang thiết bị hiện đại, môi trường trong lành. Hệ thống giường bệnh, phòng bệnh tiện nghi. Khu vui chơi cho trẻ rộng rãi, đa dạng. Hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho cha mẹ và bé khi khám chữa bệnh tại đây.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857