NỘI DUNG CHÍNH
Bệnh trĩ rất phổ biến và thường gặp sau tuổi 30, đặc biệt là ở những người làm việc văn phòng. Vì đây là bệnh của vùng nhạy cảm nên nhiều người ngại đi khám cho đến khi bệnh nặng hoặc có biến chứng. Bệnh nhân cần điều trị bệnh trĩ sớm khi có dấu hiệu để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt – Theo Bs CKI. Hoàng Ngọc Sơn – Phó trưởng Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện 22-12
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng ở nước ta. Bệnh trĩ không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Do vậy, hiểu đúng về bệnh trĩ giúp phòng ngừa, điều trị dứt điểm và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng gọi là trĩ nội hoặc dưới da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
Người bị bệnh trĩ có thể biểu hiện các triệu chứng như sau:
– Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi tiêu, khi trĩ nặng có thể xuất hiện ngoài hậu môn thường xuyên.
– Búi trĩ bị tắc mạch hoặc bị sa nghẹt gây sưng đau
– Đại tiện bị chảy máu nhưng không đau. Tùy mức độ chảy máu, bệnh nhân có thể chỉ thấy máu thấm giấy vệ sinh, hoặc nhỏ giọt hay máu bắn thành tia, càng rặn thì càng chảy nhiều máu.
– Thường xuyên bị kích thích hoặc ngứa hậu môn. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bị nhiễm giun kim.
– Khó chịu, đau rát hậu môn tăng dần theo sự tiến triển của búi trĩ
Phương pháp điều trị bệnh trĩ thường dùng tại Bệnh viện 22-12
– Phương pháp phẫu thuật Longo: Bác sĩ phẫu thuật cắt và treo búi trĩ bằng một loại máy chuyên dụng. Phẫu thuật này ít đau và thời gian phục hồi nhanh.
– Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Thường dùng cho các trường hợp trĩ hỗn hợp (cả trĩ nội và trĩ ngoại) hay bệnh nhân có da thừa nhiều, trĩ biến chứng tắc mạch, sa nghẹt. Phương pháp này tạo ra vết thương vùng hậu môn, cần thời gian vài tuần để lành hẳn và gây đau. Tuy nhiên, hiện nay có thể sử dụng dao siêu âm cắt trĩ để hạn chế phỏng mô và đau sau mổ.
Khi nào người bệnh trĩ cần đến bệnh viện?
– Người dân nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh trĩ để được tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, điều trị theo toa thuốc tại nhà trong trường hợp trĩ nhẹ. Đối với tình trạng trĩ nặng, người bệnh cần phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật loại bỏ búi trĩ, đồng thời điều trị bằng thuốc kê đơn tại bệnh viện.
– Trong trường hợp biến chứng nặng như gây chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử, hậu môn kích thích đau, rát, khó sinh hoạt, người bệnh phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tóm lại, bệnh trĩ là bệnh lý tiêu hóa lành tính song có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh kéo dài và không được điều trị đúng cách. Người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh trĩ bằng cách thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động khoa học; chủ động thăm khám để phát hiện sớm bệnh trĩ giúp cho quá trình điều trị dễ dàng và khả năng khỏi bệnh cao.
Khoa Ngoại Bệnh viện 22-12 là một trong các chuyên khoa quan trọng cùng với đội ngũ bác sĩ phẫu thuật chuyên sâu về lĩnh vực ngoại tiêu hóa, gan mật, chấn thương chỉnh hình… được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích.
Liên hệ tư vấn dịch vụ: 0769 115 115 – (0258) 352 8857 để biết thêm thông tin chi tiết & đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay!