Các bệnh và Điều trị

Đái tháo đường – Bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Năm 2019, trên toàn thế giới có 463 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) tương đương 1 trong 11 người trưởng thành đang sống với bệnh đái tháo đường.

Bệnh viện 22-12 | Đái tháo đường - bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Dự đoán vào năm 2045, 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.

Các loại đái tháo đường thường gặp

Bệnh đái tháo đường gồm 2 thể chính là: đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.

Tuýp 1

Tế bào β của tuyến tụy bị phá hủy do nguyên nhân tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân, gây nên thiếu insulin tuyệt đối.

Tỷ lệ mắc bệnh tuýp 1 chiếm từ 5 – 10% tổng số người mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra ở người dưới 20 tuổi, bệnh tiến triển nhanh nếu không kịp thời chữa trị. Đái tháo đường tuýp 1 được xác định bởi sự có mặt của một trong các tự kháng thể chống lại glutamic acid decarboxylase, tyrosine protease-like molecule…

Tuýp 2

Do tế bào của cơ thể kháng với insulin, dẫn đến thiếu insulin tương đối (tức là insulin vẫn tiết ra với số lượng bình thường nhưng thiếu so với đòi hỏi của cơ thể).

Bệnh này chiếm tỷ lệ cao khoảng 90 – 95% người bệnh, phổ biến gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên hiện nay số ca mắc có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều người mắc ở tuổi 30 và thanh niên. 

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường khi mang thai là tình trạng rối loạn đường huyết. Đa phần đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai ở tuần 24-28.

Đối với mẹ, đái tháo đường thai nghén có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, hoặc đái tháo đường loại 2 sau sinh. Đối với thai nhi,đái tháo đường thai nghén có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non, suy hô hấp, hạ glucose máu, khi lớn trẻ có thể bị béo phì hoặc đái tháo đường .

Triệu chứng của đái tháo đường

Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường tuýp 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.

Bệnh viện 22-12 | Đái tháo đường - bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

Đi tiểu thường xuyên

– Cảm thấy rất khát

– Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn

– Nhìn mờ

– Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:

– Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường típ 1)

– Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường típ 2)

Biến chứng của đái tháo đường

Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường . Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận .

Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.

– Bệnh tim mạch: ảnh hưởng đến tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ.

– Bệnh thận (bệnh thận đái tháo đường): gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn những người không mắc đái tháo đường.

– Bệnh thần kinh (bệnh thần kinh do đái tháo đường): đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương, và nhiều chức năng khác. Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa ran và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt cụt chi.

– Bệnh mắt (bệnh võng mạc do đái tháo đường): hầu hết những người mắc đái tháo đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt (bệnh võng mạc) làm giảm thị lực hoặc mù lòa

Bệnh viện 22-12 | Đái tháo đường - bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

– Các biến chứng trong thời kỳ mang thai: Phụ nữ mắc đái tháo đường trong suốt thời kỳ mang thai nguy cơ có một số biến chứng nếu họ không theo dõi cẩn thận và kiểm soát tình trạng bệnh. Glucose máu cao trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sinh nở, chấn thương cho trẻ và mẹ, và đột ngột giảm glucose máu ở trẻ sau sinh. Trẻ bị phơi nhiễm trong thời gian dài với glucose máu cao trong tử cung có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn trong tương lai

Chẩn đoán đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

a) Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ), hoặc:

b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày.

c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

d) Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L). Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán ĐTĐ.

*) Chẩn đoán tiền đái tháo đường: Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

– Rối loạn glucose huyết đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc

– Rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc

– HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường (pre-diabetes)

Điều trị bệnh đái tháo đường

Bệnh viện 22-12 | Đái tháo đường - bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Điều trị đái tháo đường liên quan đến chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực cùng với việc giảm glucose máu và mức độ các yếu tố nguy cơ khác gây tổn thương mạch máu. Việc ngừng sử dụng thuốc lá cũng rất quan trọng để tránh các biến chứng . Các can thiệp vừa tiết kiệm chi phí vừa có tính khả thi ở các nước đang phát triển bao gồm:

– Kiểm soát đường máu, đặc biệt là ở đái tháo đường típ 1. Những người bị đái tháo đường típ 1 cần insulin, những người đái tháo đường típ 2 có thể được điều trị bằng thuốc uống, nhưng cũng có thể cần insulin.

– Kiểm soát huyết áp; và – Chăm sóc bàn chân.

– Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.

Các can thiệp tiết kiệm chi phí khác bao gồm:

– Sàng lọc và điều trị bệnh võng mạc (đây là nguyên nhân gây mù lòa)

– Kiểm soát lipid máu

Sàng lọc phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh thận liên quan đến đái tháo đường và điều trị.

Bệnh viện 22-12 từ lâu là địa chỉ khám nội uy tín ở Nha Trang chuyên khám và điều trị các bệnh lý nội khoa như: tim mạch, nội tiết, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích.

Liên hệ tư vấn dịch vụ: 0769 115 115 – (0258) 352 8857 để biết thêm thông tin chi tiết & đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay!

 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang