Các bệnh và Điều trị

Nhiễm toan ceton – Biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường là nhiễm toan ceton. Do đó khi mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh cần đặc biệt lưu ý tới các biểu hiện nhiễm ceton để kịp thời điều trị, tránh để xảy ra các biến chứng nghiêm trọng

Bệnh viện 22-12 | Nhiễm toan ceton - Biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Nhiễm toan ceton đái tháo đường

Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong. 

Dấu hiệu nhận biết

Một số biểu hiện có thể quan sát được ở người nhiễm ceton:

– Tăng số lần đi tiểu.

– Luôn cảm thấy khát nước hoặc đói bụng.

– Luôn mệt mỏi, uể oải, không muốn vận động.

– Da và niêm mạc khô.

– Mạch nhanh hơn bình thường, có biểu hiện tụt huyết áp.

– Có thể gặp tình trạng lơ mơ và hôn mê.

– Dễ đau bụng, buồn nôn hoặc ói mửa.

– Nhịp thở nhanh và nông. Hơi thở đôi khi có mùi táo chín do aceton tỏa ra.

Bệnh viện 22-12 | Nhiễm toan ceton - Biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Chuyên gia y tế khuyến khích bạn nên tự kiểm tra lượng đường huyết và mức ceton tại nhà. Nếu thấy những nồng độ này bất thường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ. Ngoài ra, nếu có nhiều hơn một triệu chứng hoặc đường huyết liên tục cao hơn 16.7 mmol/L hoặc 300 mg/dL, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Chẩn đoán nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết bệnh từ sớm hỗ trợ rất lớn cho quá trình điều trị. Việc chẩn đoán nhiễm toan ceton dựa trên các phương pháp sau:

– Xét nghiệm máu nhằm đo mức độ glucose, mức ceton và axit trong máu.

– Điện giải đồ.

– Tổng phân tích nước tiểu.

– Chụp X-quang.

– Điện tâm đồ: để đo hoạt động điện của tim.

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các kết quả xét nghiệm sau đây:

– Glucose máu > 13.9 mmol/L.

– Bicarbonat (huyết tương) <15 mEq/L.

– pH máu động mạch < 7.2

– Xuất hiện các thể ceton acid trong máu và nước tiểu.

Điều trị nhiễm toan ceton đái tháo đường bằng phương pháp nào?

Nguyên tắc điều trị nhiễm toan ceton bao gồm: bù dịch, bổ sung đủ lượng insulin, điều trị rối loạn toan kiềm và điều chỉnh rối loạn điện giải.

– Lập kế hoạch theo dõi điều trị cho bệnh nhân: Bác sĩ cần có bảng để liệt kê các triệu chứng  của bệnh nhân và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cũng như lập kế hoạch chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù  hợp cho bệnh nhân theo định kỳ hoặc theo các triệu chứng  bất  thường gặp phải trong quá trình điều trị. 

– Bù insulin:Dùng loại insulin tác dụng nhanh nhằm chữa trị cho các ca bị nhiễm toan ceton nghiêm trọng. Sau khi đã xác định chẩn đoán cần phải dùng ngay. Dùng insulin liều cao có tác dụng nhanh: 0,1 đơn vị/kg tiêm tĩnh mạch, sau đó sử dụng liều 0,1 đơn vị/kg/giờ, tiêm dưới da (hoặc truyền liên tục). Việc này sẽ giúp bù lượng insulin khuyết thiếu ở bệnh nhân bị đái tháo đường.

– Cần chú ý bổ sung Kali đường tĩnh mạch cho bệnh nhân nếu chỉ số Kali máu không tăng vượt ngưỡng, bởi Insulin sẽ gắn với cả Kali và Glucose để vào tế bào nên nếu không bù đủ thì Kali máu sẽ hạ, gây ra rối loạn điện giải nặng hơn và có thể gây ra các biến chứng tim mạch. Khi người bệnh có dấu hiệu tỉnh táo trở lại, ăn được bằng đường miệng và đường huyết dần ổn định trở lại trong ngưỡng cho phép thì có thể chuyển sang tiêm insulin dưới da thay vì truyền tĩnh mạch. Tuỳ thuộc vào nồng độ glucose có trong máu sẽ quyết định liều lượng insulin cần tiêm.

– Bổ sung dịch và điện giải: Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm toan ceton đều thiếu dịch nên cần được bổ sung. Ban đầu sau khi chẩn đoán sẽ bồi phụ cho bệnh nhân bằng dung dịch muối Natri Clorid 0,9% nhằm giúp bù lại lượng dịch đã mất. Trong vòng 1 giờ đầu tiên truyền ít nhất 1L dung dịch muối NaCl 0,9%. Lượng dịch sau đó cần truyền với tốc độ 300 – 500ml/giờ kèm theo dõi chặt chẽ kali huyết thanh

– Khi sức khoẻ đã phục hồi và có thể ăn uống bằng đường miệng, bệnh nhân có thể dùng các thức ăn chứa nhiều kali như chuối, nho, nước ép cà chua,…Nếu khi đang điều trị insulin, mức phosphat máu bị hạ thấp nghiêm trọng xuống < 0,35 mmol/L thì cần bồi phụ một lượng nhỏ muối phosphat cho người bệnh. Chỉ định dùng kháng sinh để điều trị dự phòng nhiễm khuẩn.

Các cách phòng ngừa biến chứng nhiễm toan ceton

– Bệnh nhân tự theo dõi thường xuyên lượng glucose trong máu và ceton nước tiểu, cần kiểm soát 2 chỉ số này đặc biệt khi bị stress và bị ốm.

– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao điều độ và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều tiêm insulin ngay cả khi mắc thêm bệnh lý nào khác.

Thực hiện Các gói tầm soát sức khỏe tổng quát giúp kiểm tra sức khỏe toàn diện, được sự tư vấn và thăm khám nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Qua đó, khách hàng có thể đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của bản thân và gia đình nhằm kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, điều trị kịp thời, tiết kiệm chi phí.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn những gói khám sức khỏe cần thiết Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857

 

 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang