Tin tức - Sự kiện

Sơ cứu, hồi sức bệnh nhân đuối nước – Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống đuối nước

Đuối nước là gì?

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum, vại, rãnh nước,…

Bệnh viện 22-12/hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đuối nước

Cách sơ cứu và hồi sức

Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân.

Cách sơ cứu đúng như sau:

  • Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên
  • Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:

+ Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) trong 2 phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại được không? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gội kích thích đau không? Nếu không và phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

+ Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói

  • Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô
  • Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước

Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đuối nước

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ và hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống đuối nước ngày 25-7.

Để phòng chống đuối nước cần ngăn cấm trẻ tắm sông, ao, hồ, biển, … hoặc những nơi không người quản lý trông nom trẻ. Hơn nữa, cần quản lý chặt chẽ trẻ em tắm tại các hồ bơi, các cứu hộ viên nên làm việc tích cực và phải được hướng dẫn cách sơ cứu ngạt nước cho cả người lớn và trẻ em.

Tại trường học, cần có kế hoạch giáo dục và huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh:

  • Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà
  • Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông: luôn có người lớn đi theo
  • Không cho bệnh nhân động kinh bơi
  • Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi
  • Nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát.
  • Đội cứu hộ lưu động: việc tổ chức các đội, nhóm cấp cứu lưu động là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta khi trình độ dân trí chưa cao, người dân còn quá nhiều sai lầm trong sơ cứu ngạt nước dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho trẻ và gia đình.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang