Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi 30 giây trôi qua, thế giới có thêm một người đái tháo đường bị cắt cụt chân. Chưa kể, 2% người bệnh nếu không kiểm soát đường huyết tốt sẽ dẫn đến biến chứng loét bàn chân đái tháo đường.
Bệnh lý bàn chân ở BN ĐTĐ là hậu quả của nhiều biến chứng như tắc mạch, biến chứng thần kinh ngoại vi, chấn thương, kiểm soát đường huyết kém. Biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể xảy ra với người mới bị hay bệnh lâu năm. Yếu tố nhiễm trùng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tình trạng xấu của bàn chân đái tháo đường.
Vừa qua, Bệnh viện 22-12 tiếp nhận trường hợp của chú V.M (54 tuổi, trú tại Vạn Ninh) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vạt da cẳng bàn chân trái và gót chân trái, vết loét kích thước 10x10cm, lên mô hạt, có nhiều dịch mủ. Được biết, Bệnh nhân đã bị đái tháo đường type 2 trước đó. Bên cạnh đó còn mắc bệnh xơ gan, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, táo bón, chướng hơi, mắt nhìn mờ. Bệnh nhân ăn uống kém và mệt mỏi nhiều ngày nay.
Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ các chuyên khoa Nội tiết, Ngoại, tiêu hóa tích cực theo dõi và điều trị. Vết thương ở bàn chân và gót chân được vệ sinh, chăm sóc đã khô ráo. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.