NỘI DUNG CHÍNH
Bàng quang tăng hoạt, hay bàng quang hoạt động quá mức, là tình trạng liên quan đến khả năng lưu trữ nước tiểu ở trong bộ phận này. Thông thường, nguyên nhân xuất phát từ vấn đề cơ trong thành bàng quang hoạt động không ổn định, từ đó gây rò rỉ nước tiểu.
Bàng quang tăng hoạt là bệnh gì?
Đây là tình trạng rối loạn trong giai đoạn chứa đựng nước tiểu của bàng quang. Tình trạng tăng hoạt là sự co bóp không chủ ý của cơ chóp xuất hiện khi bệnh nhân kiềm chế phản xạ cơ tiểu.
Thực tế bàng quang tăng hoạt là một bệnh lý phổ biến ở cả nam và nữ giới, song mức độ bệnh là khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân vẫn kiểm soát được việc đi tiểu, chỉ ảnh hưởng đến số lần đi tiểu nhiều hơn. Nhưng ở mức độ nghiêm trọng, khi đi tiểu khó hoặc không thể kiểm soát, bắt buộc phải điều trị hoặc phẫu thuật can thiệp.
Dấu hiệu thường gặp
– Đột ngột mắc tiểu không nhịn được, khó kiểm soát.
– Són tiểu, tiểu không tự chủ được. Có thể xảy ra tự nhiên không có yếu tố khởi phát hay xảy ra ngay sau khi gắng sức, vận động mạnh, sau khi ho, hắt hơi.
– Đi tiểu thường xuyên, thường là 7 – 8 lần trở lên trong suốt 24 giờ.
– Thức dậy nhiều hơn 2 lần trong đêm để đi tiểu (tiểu đêm).
– Ngay cả khi bạn có thể đi vệ sinh kịp thời lúc buồn tiểu, việc thường xuyên phải đi tiểu nhiều lần vào ban ngày hay ban đêm vẫn khiến bạn gặp phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân hội chứng bàng quang tăng hoạt
Nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt là một ẩn số khó xác định. Đôi khi, nguyên nhân của hội chứng này lại đơn giản và dễ điều trị, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các nguyên nhân khác có thể là tổn thương thần kinh do:
– Chấn thương tủy sống, thoát vị đĩa đệm.
– Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu.
– Sỏi bàng quang hoặc khối u bàng quang.
– Phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới.
– Đái tháo đường.
– Các bệnh lý nhiễm trùng có biến chứng thần kinh như: giang mai, herpes…
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc và rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc đa xơ cứng.
– Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
– Tiêu thụ quá nhiều cà phê hoặc rượu bia.
– Suy giảm chức năng nhận thức do lão hóa. Điều này có thể khiến bàng quang của bạn khó nhận biết các tín hiệu thần kinh.
Điều trị bàng quang tăng hoạt
1. Điều trị bàng quang tăng hoạt không dùng thuốc
Thời gian đầu khi bệnh mới được phát hiện, phần lớn bác sĩ sẽ khuyến khích bạn nên áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Điều này thường bao gồm nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
– Thực hiện các bài tập chữa bàng quang tăng hoạt ở các bộ phận như: Sàn chậu, Bụng dưới, Cơ trung tâm ở bụng, Lưng dưới, Đùi, Hông…
– Thay đổi chế độ dinh dưỡng : Xây dựng lại chế độ ăn uống hàng ngày cho phù hợp với tình trạng sức khỏe. Người bệnh nên tránh các tác nhân gây lợi tiểu, bao gồm: Caffeine, ví dụ như cà phê, trà, nước ngọt có gas; thức uống có cồn: bia, rượu; thức ăn mặn…Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế các thực phẩm và đồ uống có vị chua.
– Kiểm soát lượng nước tiêu thụ, chú ý lượng nước bạn uống mỗi ngày để tránh tạo thêm áp lực cho bàng quang, đồng thời không để cơ thể bị mất nước.
– Tập luyện bàng quang, cách luyện tập này chủ yếu dựa trên việc bạn cố thiết lập các mốc thời gian “ghé thăm” nhà vệ sinh. Ghi lại những triệu chứng bạn gặp phải và quan sát cơ thể mỗi ngày cũng có khả năng giúp bạn xác định những yếu tố khiến bệnh trở nặng.
– Sử dụng tã cho người có bàng quang hoạt động quá mức. Biện pháp này thường thông dụng với những ca bệnh trung bình hoặc nặng.
– Tránh stress- căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.
Nhưng trong thực tế việc áp dụng thường phối hợp thêm vấn đề dùng thuốc.
2. Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng thuốc
Nếu các biện pháp khắc phục ban đầu tại nhà không đem lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ sẽ bắt đầu lên kế hoạch điều trị cho bạn, bao gồm:
– Thuốc trị bàng quang tăng hoạt không kê đơn Thuốc chống co thắt cơ trơn (antimuscarinics) là một trong những nhóm thuốc kê toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng bàng quang tăng hoạt phổ biến nhất.
– Các loại thuốc chống co thắt cơ trơn thường góp mặt trong toa thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt là:
+ Oxybutynin
+ Solifenacin
+ Tamsulosin
+ Tolterodine
+ Fesoterodine
+ Trospium
+ Oxybutynin clorua
+ Darifencin
Tương tự những nhóm thuốc điều trị khác, thuốc chống co thắt cơ trơn cũng có nguy cơ đem lại tác dụng phụ cho người uống. Tùy vào thể trạng của mỗi cá nhân mà tác dụng phụ thường xảy ra khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là khô miệng và táo bón.
– Tiêm botox: OnabotulinumtoxinA (Botox) có khả năng ngăn chặn hoạt động thần kinh trong các cơ của bàng quang, từ đó giảm bớt tần suất hoạt động của bộ phận này. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho biết, khoảng 6% người bệnh sau khi được tiêm botox có thể tạm thời mất khả năng đi tiểu. Vì vậy, bạn sẽ cần chuẩn bị tâm lý đặt ống thông tiểu nếu không may gặp phải tác dụng phụ này.
– Kích thích thần kinh :
+ Dây thần kinh kiểm soát bàng quang (thần kinh cùng).
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cấy một thiết bị nhỏ dưới da ở khu vực mông.
Công việc của thiết bị chuyên dụng trên là tạo ra dòng điện với cường độ nhẹ đến dây thần kinh ở vùng lưng dưới chịu trách nhiệm kiểm soát bàng quang, từ đó giảm bớt hoạt động của cơ quan này.
Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp kích thích dây thần kinh kiểm soát bàng quang là bạn sẽ mất khả năng chụp MRI cột sống.
+ Dây thần kinh chày (châm cứu)
Kích thích thần kinh chày liên quan đến việc châm cứu tại dây thần kinh gần mắt cá chân, từ đó cải thiện tình trạng kiểm soát bàng quang của cơ thể. Bạn sẽ cần châm cứu liên tục trong 12 tuần, mỗi tuần một lần.
3. Phẫu thuật điều trị bàng quang tăng hoạt
– Khi điều trị nội khoa ( vận động, tiết thực, vật lý trị liệu…) thất bại và được thực ở cơ quan y tế chuyên sâu với các chỉ định và chống chỉ định chặt chẽ.
Tóm lại, bàng quang tăng hoạt là bệnh cảnh thường gặp trong đời sống hiện nay. Trong hầu hết các trường hợp thì tình trạng bàng quang tăng hoạt có thể kiểm soát tốt bằng chế độ ăn uống – vận động, nghỉ ngơi cùng với các biện pháp Đông – Tây y kết hợp.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích.
Liên hệ tư vấn dịch vụ: 0769 115 115 – (0258) 352 8857 để biết thêm thông tin chi tiết & đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay!
Tham khảo: hellobacsi.com