Các bệnh và Điều trị

Những điều cần biết về viêm gan B

Viêm gan siêu vi B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

viêm gan B

Phân loại viêm gan B:

Viêm gan được phân làm 2 loại là mãn tính và cấp tính

Viêm gan mãn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Theo thời gian, viêm gan mãn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiệm trọng bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong

Viêm gan cấp tính là tình trạng nhiễm virus viêm gan kéo dài dưới 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV. Đa phần người bị viêm gan cấp tính không có triệu chứng gì hoặc chỉ bị nhẹ, nhưng cũng có 1 số ít trường hợp chuyển biến nghiêm trọng phải nhập viện.

Nhiều người mắc viêm gan B cấp tính, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trường thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Nếu hệ miễn dịch không thể loại được virus, thì chuyển biến sang mãn tính

Độ phổ biến của viêm gan B:

Viêm gan B là loại viêm gan siêu vi thường gặp nhất. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người đã và đang bị nhiễm virus siêu vi B (tức là cứ 4 người sẽ có 1 người bị nhiễm loại virus này).

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus siêu vi B cao nhất thế giới, nước ta có khoảng 10 triệu người mắc phải, hầu hết là viêm mãn tính. Nguy hiểm ở chỗ, rất nhiều người trong chúng ta không biết mình mắc bệnh, chỉ 10% trong số được chẩn đoán.

Nguyên nhân và con đường lây truyền viêm gan B:

Lây truyền qua đường máu

Virus viêm gan B dễ dàng lây qua đường máu theo các hình thức phổ biến sau:

Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy.

Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng dụng cụ y tế không qua khử trùng đúng cách.

Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh.

Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người nhiễm bệnh

Lây nhiễm từ mẹ sang con

Có 3 thời điểm virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con: Trong khi mang thai, trong lúc chuyển dạ đẻ và thời kỳ cho con bú.

Trong giai đoạn mang thai

Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai rất thấp, không quá 2%. Nguyên nhân là do giữa máu mẹ bầu và thai nhi không tiếp xúc với nhau mà được ngăn cách bởi một hàng rào nhau thai, đây cũng là nơi trao đổi chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên nếu có các sang chấn, dù một chấn động nhẹ cũng dẫn đến làm tổn thương hàng rào nhau thai, tăng khả năng máu của mẹ sẽ tiếp xúc với máu thai nhi làm lây truyền virus.

Trong lúc chuyển dạ đẻ

Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn này lên tới hơn 90%. Lúc chuyển dạ cơ tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau thai bám cũng bị co thắt có thể khiến cho máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con, hoặc lúc trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ sẽ tiếp xúc với dịch âm đạo cũng khiến trẻ bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ.

Thời kỳ cho con bú

Khả năng lây nhiễm trong thời kỳ này rất thấp, cực kỳ hiếm các trường hợp trẻ bị nhiễm virus trong thời gian bú mẹ. Mặc dù đã phát hiện HBV DNA có trong sữa non của bà mẹ HBsAg dương tính nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khả năng lây nhiễm qua các dịch này cũng rất thấp.

Nếu xảy ra trường hợp bị nhiễm trong giai đoạn này, nguyên nhân có thể do vấn đề tổn thương đầu vú của mẹ, tổn thương miệng của trẻ, huyết thanh chứa virus viêm gan B tiếp xúc với máu của trẻ khi trẻ bú trực tiếp.

Lây truyền qua đường tình dục

Viêm gan B có thể lây truyền khi quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng giới do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh.

Viêm gan B không lây lan qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm… Bệnh cũng không lây lan khi ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa hoặc ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B.

Các biến chứng của viêm gan B:

Viêm gan B khi bước sang giai đoạn mãn tính có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Xơ gan: Viêm gan B mãn tính có thể hình thành mô sẹo trong gan, gây xơ gan và suy giảm khả năng hoạt động của gan.
  • Ung thư gan: Những người bị mãn tính có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn những người không mắc bệnh.
  • Suy gan: là một trong những nguyên nhân gây ra suy gan cấp tính, làm tổn thương lớn các tế bào gan và làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong. Những người bị suy gan cấp tính có thể cần ghép gan để điều trị.
  • Các vấn đề sức khỏe khác. Những người bị viêm gan B mãn tính có thể phát triển bệnh thận hoặc viêm mạch máu.

Các cách điều trị:

Điều trị viêm gan cấp tính:

Viêm gan B cấp tính thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi. Do đó, thay vì điều trị bằng các phương pháp y khoa, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng virus hoặc nhập viện để ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị viêm gan mãn tính:

Hầu hết người được chẩn đoán viêm gan B mãn tính sẽ cần điều trị suốt đời. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ biến chứng ở gan nguy hiểm và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Các phương pháp điều trị nhiễm trùng gan mãn tính bao gồm:

Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B: Có thể giúp người bệnh chống lại virus và làm chậm khả năng gây hại cho gan. Hai loại thuốc cơ bản hiện nay là Entecavir 0,5mg, Tenofovir (gồm 2 loại TDF300mg và TAF25mg). Các thuốc này được sử dụng theo đường uống.

Thuốc tiêm interferon: Có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Thuốc tiêm interferon có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, khó thở…

Các phương pháp phòng bệnh

– Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ cũng nên tiêm phòng.

– Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để có biện pháp dự phòng lây truyền sang con.

– Không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo.

– Sử dụng dụng cụ y tế đã được vô trùng.

– Truyền máu an toàn.

– Không tiếp xúc trực tiếp với máu/vết thương hở/chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.

– Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục (trường hợp vợ/chồng đã bị mắc viêm gan vi rút).

– Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lí: tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, tăng cường hoa quả, vitamin và hạn chế các thực phẩm chiên, rán.

– Tất cả trẻ sơ sinh đều cần tiêm phòng viêm gan B: đúng lịch, đủ số mũi theo khuyến cáo.

Bệnh viện 22-12 là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang