NỘI DUNG CHÍNH
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKI Hoàng Ngọc Sơn – Phó Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện 22-12
Viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp. Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa (sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng) có thể là nguyên nhân gây viêm… Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ, làm dịch mủ và dịch phân lan tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp khác, viêm ruột thừa có thể bị bao bọc lại bởi các cơ quan quanh đó và hình thành các ổ áp xe hay đám quánh ruột thừa.
1. Những dấu hiệu cảnh báo mắc viêm ruột thừa cấp là:
– Đau bụng vùng quanh rốn hoặc thượng vị trong giai đoạn đầu của bệnh. Về sau, người bệnh bị đau ở hố chậu phải. Đau tăng và liên tục trong vài giờ, đau hơn khi xoay người, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc khi bị đụng vào.
– Rối loạn tiêu hóa.
– Thân nhiệt có thể bình thường hoặc tăng nhẹ. Sốt cao có thể là dấu hiệu cho thấy ruột thừa đã bị vỡ..
– Bụng chướng (giai đoạn trễ).
– Chán ăn, môi khô, lưỡi dơ, hơi thở có mùi hôi.
– Tiểu đau hoặc tiểu rắt.
2. Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về quá trình xuất hiện và diễn tiến của các triệu chứng và thăm khám vùng bụng của bệnh nhân. Các xét nghiệm và thủ thuật được áp dụng để chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:
– Thăm khám để đánh giá cơn đau của bệnh nhân.
– Xét nghiệm máu.
– Xét nghiệm nước tiểu.
– Chẩn đoán bằng hình ảnh.
3. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa
Điều trị viêm ruột thừa thông thường bằng phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là cuộc phẫu thuật hở được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng dài vài centimet (phẫu thuật mở bụng). Hoặc phẫu thuật thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng (phẫu thuật nội soi ổ bụng). Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật đưa vào ổ bụng của bênh nhân một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dùng để cắt bỏ ruột thừa.
Thông thường, phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Nhưng phẫu thuật nội soi không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Đối với các trường hợp chống chỉ định phẫu thuật nội soi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mở để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Thông thường, các bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa sẽ có 3 vết mổ, nhưng tại Bệnh viện 22 – 12, tùy trường hợp thuận lợi, bệnh nhân có thể được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa chỉ với 2 vết mổ giúp giảm đau hơn, nhanh hồi phục hơn.
Bệnh nhân sẽ nằm viện hai hoặc ba ngày sau khi được phẫu thuật cắt ruột thừa.
4. Chăm sóc người bệnh viêm ruột thừa cấp
– Có thể sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Rửa vết mổ và thay băng vết mổ hàng ngày, tránh dùng bột hoặc kem thoa lên vết mổ.
– Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, không bưng bê vật nặng hoặc tham gia các hoạt động gắng sức.
– Trong trường hợp ruột thừa chưa bị vỡ, trẻ có thể đi học lại sau phẫu thuật 2-3 ngày. Nếu ruột thừa đã bị vỡ, trẻ có thể đi học lại sau phẫu thuật 1 tuần. Hầu hết trẻ em có thể tiếp tục tham gia hoạt động thể thao sau 1 tuần phẫu thuật.
– Không tắm bồn, không tham gia các hoạt động dưới nước cho tới khi vết mổ lành hẳn.
– Mặc quần áo thoải mái, tránh đồ bó sát vì có thể gây kích ứng da quanh vị trí vết mổ.
– Có thể leo cầu thang, đi bộ… để tập luyện sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm quan hệ tình dục sau phẫu thuật.
– Quay về chế độ ăn như cũ theo tư vấn của bác sĩ ở thời điểm phù hợp.
– Uống nhiều nước và thức uống không chứa caffeine, tránh thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ,… để tránh táo bón sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân cần tái khám sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất viện. Người bệnh nên sắp xếp tái khám đúng thời điểm để được thăm khám và hỗ trợ tốt nhất.
Khoa Ngoại Bệnh viện 22-12 là một trong các chuyên khoa quan trọng cùng với đội ngũ bác sĩ phẫu thuật chuyên sâu về lĩnh vực ngoại tiêu hóa, gan mật, chấn thương chỉnh hình… được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Để được tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ 0769 115 115 – 0258 352 8857