Các bệnh và Điều trị

Viêm da dị ứng – Bệnh ngoài da phổ biến hiện nay

Viêm da dị ứng là căn bệnh ngoài da phổ biến hiện nay. Dù không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe hay tính mạng, nhưng bệnh này rất khó điều trị dứt điểm, không chỉ gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và thẩm mỹ.

Viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng là bệnh lý da liễu hình thành khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây hại từ môi trường. Đây là phản ứng của cơ thể đối với tác nhân bên ngoài. Tức là, khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích từ môi trường, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các triệu chứng viêm da. Lúc này, trên da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều nốt mẩn ngứa, sưng đỏ, đôi khi phát ban hoặc nổi mề đay dày đặc.

Bệnh viện 22-12 | Viêm da dị ứng - Bệnh ngoài da phổ biến hiện nay

Phân loại bệnh viêm da dị ứng

Dựa trên thời thời gian bị bệnh thì bệnh lý này thường được phân loại thành 2 thể gồm:

– Viêm da dị ứng cấp tính: Là tình trạng da xuất hiện hiện tượng đỏ rát, phù nề, có mụn nước. Một số trường hợp có thể có bọng nước, khi bọng nước vỡ ra sẽ gây tiết dịch, đóng vảy. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh chỉ từ vài ngày đến vài tháng. Bệnh có thể tự khỏi nếu người mắc chăm sóc da đúng cách và áp dụng một số mẹo trị bệnh tại nhà hay các loại thuốc bôi ngoài da.

– Viêm da dị ứng mạn tính (mãn tính): Là tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần, da bị tổn thương nhiều hơn và khó chữa trị hơn. Lúc này, người bệnh cần đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp nhất.

Dựa trên đặc điểm, triệu chứng bệnh thì bệnh lý này lại được phân loại như sau:

– Viêm da dị ứng chàm: Đây chính là tình trạng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hay còn gọi là chàm sữa. Vị trí viêm da có thể xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp, mặt, đầu gối, cổ,…

– Viêm da dị ứng thời tiết: Là tình trạng da bị viêm, tổn thương do sự thay đổi của thời tiết. Bệnh thường khởi phát trong những giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hay ngược lại. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào, trong đó thường gặp nhất là da mặt, tay chân hay vùng da có nhiều mồ hôi.

– Viêm da dị ứng tiếp xúc: Là tình trạng da bị tổn thương, mẩn đỏ do tiếp xúc với mỹ phẩm, hóa chất, kim loại, nọc độc côn trùng, nhựa cây… Triệu chứng điển hình của bệnh là da bị nổi ban đỏ, hồng, có bọng nước hoặc mụn nước mọc tập trung hay rải rác… Thông thường, hiện tượng này có thể giảm dần và khỏi sau 1 – 4 tuần.

– Viêm da dị ứng cơ địa: Bệnh xảy ra do yếu tố cơ địa, thậm chí đôi khi không xác định được nguyên nhân. Vì vậy, bệnh dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm.

– Viêm da dị ứng mỹ phẩm: Xảy da do người bệnh bị dị ứng với các loại mỹ phẩm, hiện tượng thường thấy là da bị nổi mụn nước, ban đỏ, ngứa rát khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra ở mặt, tay, chân…

– Viêm da dị ứng bội nhiễm: Đây là thể nặng và có thể gây biến chứng nếu không được khắc phục đúng cách. Tình rạng này xảy thường gây tổn thương da nghiêm trọng, nhiễm trùng da và có thể để lại sẹo sau điều trị.

Triệu chứng viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là căn bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đời sống và thẩm mỹ làn da. Điều trị kịp thời chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này. Dưới đây là một số những dấu hiệu thường gặp:

Bệnh viện 22-12 | Viêm da dị ứng - Bệnh ngoài da phổ biến hiện nay

– Da khô, mất nước và có tình trạng ửng đỏ.

– Đa số trường hợp ghi nhận dấu hiệu ngứa hoặc rất ngứa.

– Da bong tróc, xuất hiện vảy da chết.

– Vùng da bị viêm có thể nổi thành từng mảng hoặc các nốt li ti.

– Đối với trẻ em, chủ yếu xảy ra với các bé độ tuổi từ 2 tuổi trở lên và ở các vùng da có nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, nếp cổ, quanh miệng hoặc bàn tay…Ở trẻ sơ sinh sẽ gọi là chàm sữa, trên da mặt hoặc da tay, chân bé sẽ xuất hiện các nốt màu trắng liti.

– Ở người lớn, thường khởi phát ở mặt, bàn tay, mi mắt, cổ.

– Viêm da dị ứng mẩn ngứa có thể kéo theo các nốt sẩn phù trên da.

Các nguyên nhân gây nên bệnh viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng thuộc lứa tuổi, giới tính nào. Bệnh có diễn biến dai dẳng, phức tạp và có thể xuất phát từ các yếu tố nội tại hoặc từ bên ngoài.

– Yếu tố di truyền: Rất nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ mối quan hệ mật thiết giữa bệnh  và các yếu tố di truyền. Tỷ lệ gia đình có bố hoặc mẹ từng mắc bệnh thì nguy cơ viêm da cơ địa ở trẻ em sau này sẽ cao hơn tới 25%.

– Khí hậu thay đổi thất thường: Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm da dị ứng thời tiết. Khí hậu thay đổi kéo theo gia tăng các yếu tố gây dị ứng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

– Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.

– Độ tuổi: Viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ thường dễ bùng phát hơn khi trẻ nhỏ có mẹ lớn tuổi. Tỷ lệ này có xu hướng giảm dần đối với các bà mẹ trẻ.

– Chế độ ăn uống không đảm bảo: khiến cơ thể mất nước, làn da khô ráp và làm giảm các tế bào ceramide cấp ẩm cho da.

– Cơ địa dị ứng: Một số người có cơ địa dị ứng với đồ ăn, hóa chất…

– Lối sống thiếu khoa học, mất ngủ lâu ngày khiến suy giảm hệ miễn dịch.

– Nguyên nhân khác: Dị ứng với hóa chất, mỹ phẩm, thời tiết, lông động vật

Viêm da dị ứng có lây không?

Bệnh viêm da dị ứng hoàn toàn không lây lan từ người sang người vì bệnh không khởi phát do nấm da hay vi khuẩn. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do yếu tố nội tại và cơ địa bẩm sinh nên bệnh không thể lây từ người sang người. Tuy nhiên nếu quá trình chăm sóc và điều trị diễn ra không đảm bảo, các vùng da tổn thương có thể lây lan ra diện rộng, khiến việc loại bỏ bệnh gặp nhiều khó khăn.

Các cách điều trị viêm da dị ứng phổ biến

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị viêm da dị ứng, phổ biến nhất là dùng thuốc Tây y, thuốc Đông y hoặc áp dụng các mẹo dân gian. Mỗi cách chữa sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Dưới đây là một số bài thuốc chữa viêm da dị ứng phổ biến nhất hiện nay:

Bệnh viện 22-12 | Viêm da dị ứng - Bệnh ngoài da phổ biến hiện nay

Sử dụng thuốc bôi viêm da dị ứng

Sử dụng thuốc bôi trị viêm da dị ứng được phần lớn người bệnh ưa chuộng bởi tính tiện lợi và đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Tuy nhiên với người có da nhạy cảm, bạn nên bội thuốc trên một diện tích da nhỏ trong lần sử dụng đầu tiên để quan sát phản ứng. Nếu thuốc mang lại hiệu quả, không gây kích ứng da thì mới bắt đầu dùng thuốc thoa lên toàn bộ vùng da bị viêm do dị ứng.

Ngoài các loại thuốc bôi ngoài da, bạn có thể kết hợp với các bài thuốc uống điều trị bên trong. Cách này thường được chỉ định khi diện tích da bị dị ứng rộng, triệu chứng nặng hoặc biện pháp dùng kem bôi không hiệu quả.

Đối tượng người bệnh là phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để trước khi dùng bất kì loại thuốc uống, thuốc bôi viêm da dị ứng nào.

Thuốc bôi điều trị trong giai đoạn mới khởi phát

– Trong giai đoạn đầu khi làn da chỉ xuất hiện các nốt ngứa thông thường, bạn có thể sử dụng các loại kem bôi không chứa hương liệu và có tác dụng cấp ẩm, giữ nước cho da: Atopalm, Euceril, Cetaphil…

– Ưu tiên các sản phẩm có chứa Mannitol và Glycerin trong thành phần như Hồ nước, Kẽm ô xít 10% hoặc dung dịch sát khuẩn Chlorhexidine.

– Ngoài ra nên tránh các loại tinh dầu vừng, lạc, hạnh nhân hoặc có chứa cồn với tỷ lệ cao, hoặc chiết xuất từ chanh, hoa oải hương… để làm giảm triệu chứng bệnh.

Thuốc bôi đặc trị triệu chứng

Sử dụng kem bôi chứa corticoid:

Khi tần suất các cơn ngứa trở nên nhiều hơn và biểu hiện khô da khiến các vảy bong tróc xuất hiện, bạn có thể sử dụng kem bôi chứa corticoid giúp kháng viêm, ức chế các sự ứng miễn dịch của da. Nồng độ của corticoid trong các sản phẩm được chia thành các cấp độ từ rất mạnh, mạnh, vừa và yếu. Trong đó dạng vừa phù hợp điều trị cho viêm da dị ứng mặt

Sử dụng thuốc chứa corticoid đều đặn ngày 1 – 2 lần trong tối đa 7 – 20 ngày có thể giúp người bệnh giảm tới 80% triệu chứng trên da. Một số sản phẩm thuốc bôi trị viêm da cơ địa phổ biến như: Gentrisone, Kedermfa, Korcin.

Tuy nhiên nên thận trọng khi bôi ở vùng gần mắt, không sử dụng thuốc trên quá 70% diện tích cơ thể.

Dùng thuốc có chứa Tacrolimus

Nếu da của bạn mẫn cảm với chất corticoid, có thể sử dụng sản phẩm có chứa Tacrolimus.

Thuốc uống trị viêm da dị ứng

Khi các triệu chứng lan rộng ra toàn thân, có hiện tượng tăng nặng, nhiễm trùng hoặc khó chịu. Bác sĩ sẽ kết hợp thuốc bôi với thuốc uống để điều trị toàn thân. Một số nhóm thuốc thường được kê đơn gồm:

– Kháng sinh: Sử dụng nếu người bệnh bị viêm da do các loại vi khuẩn và da có dấu hiệu sưng viêm, nhiễm trùng. Một số thuốc nhóm này gồm penicillin, cephalosporin…

– Thuốc kháng Histamine: Sử dụng nếu người bệnh có các triệu chứng dị ứng như ngứa da, buồn nôn, phát ban… Một số thuốc nhóm này gồm: Promethazin hydroclorid, Loratadin, Clorpheniramine, Fexofenadin, Brompheniramin maleat, Acrivastin, Cetirizin hydroclorid,…

– Thuốc giảm đau: Sử dụng khi người bệnh bị sưng, phù nề da kèm cảm giác đau nghiêm trọng. Paracetamol là thuốc được sử dụng phổ biến nhất.

– Thuốc chống viêm: Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm nhóm non-steriod (Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac và Meloxicam) hay có steriod.

Cách chữa viêm da dị ứng tại nhà bằng mẹo dân gian

Các cách chữa mẹo dân gian phù hợp với bệnh viêm da dị ứng trong giai đoạn mới khởi phát, các triệu chứng ở mức nhẹ. Việc điều trị bằng dân gian đem lại hiệu quả và sự lành tính, giúp người bệnh tránh được nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên các bài thuốc chữa mẹo vẫn có nguy cơ gây dị ứng trên da. Bài thuốc cần sử dụng trong thời gian dài và đảm bảo an toàn vệ sinh. Tránh nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là trên làn da của trẻ nhỏ.

– Chữa viêm da dị ứng bằng lá trầu không: Rửa sạch từ 5 đến 10 lá trầu không, ngâm với nước muối và để ráo nước. Sau đó vò nát hoặc xay nhỏ, đựng trong khăn xô hoặc băng gạc để đắp và bôi lên vùng da bị bệnh.

– Dùng lá trà xanh chữa viêm da dị ứng: Đun 40g lá trà xanh với 400ml nước, khi sôi bỏ thêm 1 thìa cà phê muối hạt to. Sau đó bắc ra, pha thêm nước cho vừa đủ ấm, dùng để tắm gội. Trong quá trình sử dụng có thể lấy bã trà xanh để mát xa nhẹ nhàng.

– Tắm lá khế chữa bệnh mẩn ngứa: Dùng từ 10 – 20 lá khế tươi, rửa sạch để ráo nước. Sau đó đun với nước, chờ nước nguội vừa đủ ấm thì lấy để tắm hằng ngày giúp giảm cảm giác mẩn ngứa.

– Sử dụng viêm da dị ứng bằng lá mướp: Sử dụng lá mướp tươi, rửa sạch và giã nát, đắp lên vùng da bị bệnh, để trong vòng 15 đến 20 phút.

– Trị bệnh bằng lá đơn đỏ: Lấy lá đơn đỏ tươi, làm sạch và chia làm 2 phần. Một phần dùng để đun lá tắm hằng ngày. Phần còn lại ngâm nước muối và giã đắp lên vùng da ngứa.

– Ứng dụng nha đam giúp giảm ngứa: Nhựa cây nha đam có rất nhiều tác dụng trong làm đẹp và hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da. Nhờ chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, với khả năng cấp ẩm, làm dịu da, kháng viêm cao, sử dụng nha đam để xoa lên da có thể làm giảm ngứa, mềm da, giảm tấy đỏ. Nếu không có nha đam tươi, bạn hoàn toàn có thể thoa các gel với ít nhất 90% nha đam.

Viêm da dị ứng kiêng ăn gì? Ăn gì nhanh khỏi nhất

Bên cạnh việc sử dụng đúng liệu trình đã được chỉ định, người bệnh nên duy trì cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập vừa phải. Việc kết hợp này sẽ giúp thúc đẩy tối đa tác dụng của thuốc điều trị và ngăn chặn nguy cơ tái phát lâu dài. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng dành cho người bệnh viêm da dị ứng:

– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, đậm vị hoặc đồ chiên rán có nhiều dầu mỡ.

– Không nên lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích sẽ khiến tích tụ độc tố trong cơ thể, giảm chức năng đào thải của gan thận.

– Thay thế các loại sữa động vật (bò, dê, cừu…) bằng sữa từ hạt (óc chó, mè đen, đậu nành, ngô…)

– Bổ sung thêm chất xơ trong các bữa ăn hằng ngày.

– Tăng cường vitamin A, D, C, kẽm giúp sản xuất tế bào mới, làm lành vết thương nhanh hơn, ngăn ngừa sẹo thâm.

– Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày từ 2 – 2,5l tùy điều kiện thời tiết.

Cách phòng chống viêm da dị ứng tái phát

Viêm da dị ứng có thể tái phát bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, chủ động phòng ngừa không chỉ giúp kéo dài thời gian giữa các đợt khởi phát mà còn giảm nguy cơ hình thành sẹo xấu trên da. Bạn đọc có thể tham khảo một số gợi ý giúp phòng bệnh ngay sau đây:

– Vệ sinh thân thể hằng ngày bằng nước ấm, không nên tắm quá lâu. Thời gian thích hợp cho việc vệ sinh da chỉ nên kéo dài từ 10 – 15 phút.

– Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, làm từ các chất liệu thấm hút tốt.

– Không gãi hoặc chà sát quá mạnh khiến vết thương hở.

– Giữ cho không gian sống thoáng mát, sạch sẽ.

– Đảm bảo ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.

– Tránh xa các loại chất hóa học, có tính tẩy rửa mạnh như xà phòng tắm, rửa bát, lau sàn…

– Thiết lập chế độ luyện tập phù hợp, không nên để vết thương tiếp xúc quá lâu với mồ hôi.

Viêm da dị ứng là bệnh ngoài da có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới làn da của người bệnh, điều trị có thể từ đơn giản đến phức tạp, từ Đông y đến Tây y. Dĩ nhiên trong một số trường hợp phức tạp và nặng nề cần phối hợp các xét nghiệm đặc hiệu cùng với tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có hướng chăm sóc và điều trị tốt nhất.

Hy vọng thông qua bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có thêm hiểu biết để lựa chọn phương pháp điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả nhất.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện 22-12 để cập nhật nhiều thông tin bổ ích.

Liên hệ tư vấn dịch vụ: 0769 115 115 – (0258) 352 8857 để biết thêm thông tin chi tiết & đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện 22-12
Đ/c: 34/4 Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang

https://www.facebook.com/benhvien2212

CÁC BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đăng ký nhận tin

Đường link hữu ích

Vị trí bệnh viện 22-12

© Bệnh viện 22-12 | VK Hospital | Bệnh viện uy tín tại Nha Trang