Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào mùa lạnh
NỘI DUNG CHÍNH
Càng nhiều tuổi, hệ miễn dịch của con người càng kém, đặc biệt là vào mùa đông. Mùa lạnh thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Do vậy, cần có các biện pháp tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi gặp thời tiết lạnh.
Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi trời lạnh
– Bệnh về đường hô hấp: Khi thời tiết chuyển mùa, do sức đề kháng kém, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Như: Viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản…
– Bệnh tim mạch: Thường gặp ở người cao tuổi là tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim… Dấu hiệu là khó thở, cảm giác khó thở sau khi tập thể dục. Làm việc nặng, suy nghĩ căng thẳng. Có những lúc không làm gì cũng khó thở, hồi họp, đánh trống ngực.
– Bệnh xương khớp: Vào mùa lạnh người già hay bị cứng khớp, thoái hóa khớp. Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể. Đặc biệt là tại vị trí các khớp.
– Đột quỵ não: Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ não là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể. Trường hợp nặng, người
bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh. Những trường hợp này cần đưa ngay đến bệnh viện, càng sớm càng tốt.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh mùa lạnh ở người cao tuổi
– Giữ ấm cơ thể:
+ Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Giữ ấm bằng áo khoác, khăn quàng cổ, mũ, đi tất giày. Dùng khẩu trang hoặc khăn che mũi miệng để tránh gió lạnh.
+ Không gian sinh hoạt thoáng đãng nhưng phải đảm bảo ấm áp, tránh gió lùa.
+ Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ dẫn đến tai biến rất nguy hiểm.
+ Lưu ý: mặc đồ cho người cao tuổi đảm bảo ấm nhưng không được quá nhiều và quá rườm rà. Tránh vướng víu khi vận động gây té ngã.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng:
+ Ăn đủ các chất đường, protein, …
+ Ăn chín uống sôi, thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng (vd: súp, cháo thịt, các món hầm…)
+ Chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calo và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no gây chướng bụng khó tiêu.
+ Không uống rượu để làm ấm người khi trời lạnh, nên uống nước ấm.
+ Thực đơn dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý nền (thừa cân, tiểu đường,…)
– Tập thể dục thường xuyên:
Tập các bài thể dục vận động nhẹ nhàng, phù hợp, vừa sức. Ví dụ như đạp xe, dưỡng sinh, yoga, đi bộ… Lưu ý mặc quần áo dài và tập nơi kín gió trong mùa lạnh.
– Khám sức khỏe định kỳ:
Khám định kỳ 6 tháng 1 lần giúp phòng ngừa, phát hiện
và điều trị sớm bệnh. Bên cạnh đó sẽ nhận được lời khuyên từ bác sĩ chế độ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách tốt nhất.
– Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan:
Con cháu cần dành thời gian quây quần động viên, chia sẻ, tâm sự với người cao tuổi. Tránh tâm lý nhạy cảm, giúp họ luôn vui vẻ là liều thuốc quý giá nhất hơn bất cứ liều thuốc bổ nào.